Trách nhiệm khẳng định tầm vóc mới của ASEAN trong năm 2023

Với chủ đề 2023 là “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng," ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và là "mỏ neo" cho sự ổn định toàn cầu.
Quang cảnh tòa nhà trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 1/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau hơn một tháng rưỡi tiếp nhận chiếc búa chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 ở Phnom Penh giữa tháng 11 vừa qua, Indonesia sẽ chính thức ngồi vào “ghế lái” của tổ chức khu vực hơn 680 triệu dân này từ ngày đầu Năm mới 2023.

Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 mang lại những kỳ vọng lớn về việc thúc đẩy các chương trình nghị sự giúp nâng cao vai trò, vị thế trung tâm, duy trì sự ổn định, đoàn kết và thống nhất của ASEAN trong bối cảnh bất ổn và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận búa chủ tịch ngày 13/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu bật chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2023 là “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng.”

Thông qua chủ đề này, ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và là "mỏ neo" cho sự ổn định toàn cầu. ASEAN cũng sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị nhân đạo và các thực hành dân chủ, sẽ không đóng vai trò người ủy nhiệm cho bất kỳ cường quốc nào.

[Trọng tâm của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023]

Tổng thống Joko Widodo cũng bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN. Do đó, năng lực và hiệu quả thể chế cần được tăng cường để giúp ASEAN ứng phó với các thách thức trong 20 năm tới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định rằng Jakarta mong muốn ASEAN duy trì vai trò nổi bật và phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau mà người dân Indonesia cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới phải đối mặt.

Theo kế hoạch, Indonesia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ngay trong tháng 1/2023 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ngay trong quý I/2023 để xác định những vấn đề ưu tiên trong năm.

Quốc gia này cũng sẽ tổ chức một số sự kiện quan trọng trong thời gian đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, bao gồm Diễn đàn cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Diễn đàn doanh nghiệp kinh tế sáng tạo ASEAN.

Ngoại trưởng Retno khẳng định rằng với thiện chí và tinh thần làm việc chăm chỉ, Chủ tịch ASEAN 2023 hy vọng sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người dân Indonesia mà còn cho người dân ASEAN và thế giới, bởi ASEAN đóng vai trò là trung tâm tăng trưởng.

Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thứ tư của Indonesia (sau các năm 1976, 2003 và 2011) diễn ra trong bối cảnh tình hình toàn cầu đầy bất ổn, kéo theo những thách thức đa chiều.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Ngoại trưởng Retno, tình hình toàn cầu - từ địa chính trị đến kinh tế - đều không dễ dàng và thuận lợi. Hơn nữa, các cuộc đối đầu địa chính trị hiện nay có thể vẫn sẽ diễn ra gay gắt trong năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn ảm đạm hơn.

Nếu không sớm hợp tác để vượt qua các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng, cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm phân bón, các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với những vấn đề tài chính.

Trong bối cảnh khó khăn và đầy thách thức đó, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN lần này của Indonesia được nhiều nước đối tác và các học giả kỳ vọng, đặc biệt là sau khi Quốc gia Vạn đảo tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại Bali với những kết quả rất đáng được ghi nhận trong bối cảnh mâu thuẫn sâu sắc và đối đầu gay gắt giữa các thành viên.

Là Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập chương trình nghị sự của hàng trăm cuộc họp mà ASEAN tổ chức hằng năm cho 10 quốc gia thành viên, cũng như 27 quốc gia khác tham gia với tư cách là đối tác đối thoại và là thành viên của ASEAN+.

Vai trò này sẽ giúp Idonesia phát huy sức mạnh ngoại giao và thể hiện vị trí dẫn dắt khu vực, đồng thời mang lại cho Tổng thống Joko Widodo cơ hội một lần nữa đóng vai trò "phát ngôn viên quốc tế" sau khi trở thành gương mặt đại diện của G20 năm 2022.

Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tác động của các vấn đề chính trị và an ninh quan trọng trong khu vực, đưa ASEAN trở thành một tổ chức hiệu quả hơn.

Với trách nhiệm của mình, Indonesia sẽ phải bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích toàn khối, cũng như đưa ra các giải pháp mới giúp ASEAN vượt qua các thách thức và giải quyết các vấn đề đang được quan tâm trong khu vực cũng như trên toàn cầu, qua đó khẳng định vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN.

Theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập và tích cực,” Indonesia luôn mong muốn thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực, và vì mục đích đó, giải quyết xung đột một cách hòa bình vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Jakarta.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia được kỳ vọng giúp giải quyết một số vấn đề địa chính trị và khu vực quan trọng, chẳng hạn như tiếp tục làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng kéo dài ở Myanmar, bán đảo Triều Tiên, hay nỗ lực ổn định tình hình tại Biển Đông với việc thúc đẩy đàm phán thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Vấn đề có thể trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia là việc Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN sau khi nước này được nhận quy chế quan sát viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 vừa qua.

Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor Leste trở thành thành viên ASEAN và muốn chứng kiến nước này gia nhập càng sớm càng tốt. Điều này sẽ biến ASEAN thành một điển hình về chủ nghĩa khu vực mạnh mẽ và hợp tác kinh tế trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia.

Về kinh tế và phát triển bền vững, vai trò dẫn dắt của Indonesia cũng được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực ở nhiều vấn đề, bao gồm phục hồi hậu đại dịch COVID-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh mạng, kinh tế kỹ thuật số, sự gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực...

Để có thể giải quyết tất cả những vấn đề này, Indonesia cần nhanh chóng thiết lập nền tảng hợp tác vững chắc để ASEAN có thể đối mặt với mọi thách thức một cách linh hoạt với tư cách cả khối.

Có thể thấy, là nước lớn nhất trong khu vực, Indonesia được đánh giá có thể trở thành “quốc gia tiên phong” của ASEAN với những sáng kiến quan trọng và là nhà trung gian hòa giải có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Indonesia là chủ nhà Hội nghị Á-Phi năm 1955 dẫn tới sự ra đời của Phong trào Không liên kết (NAM) và cũng là một trong 5 quốc gia sáng lập ASEAN vào ngày 8/8/1967.

Năm 2003, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 dưới sự chủ trì của Indonesia, các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên đã ký Tuyên bố về sự hoà hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II), tạo nền tảng cho việc thiết lập Cộng đồng ASEAN.

Năm 2011, tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Bali, Indonesia, ý tưởng hình thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, được đưa ra. RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và là một ví dụ điển hình về chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại và hợp tác kinh tế-chính trị.

Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) - một sáng kiến do Indonesia đề xuất và được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok vào tháng 6/2019 - hiện cũng trở thành nền tảng hợp tác giữa ASEAN với nhiều đối tác…

Với kinh nghiệm lèo lái thành công G20 trong nhiệm kỳ đầy khó khăn vừa qua, cùng chính sách đối ngoại độc lập và mối quan hệ lành mạnh với các quốc gia trong khu vực, vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia có thể mang lại những triển vọng hữu ích và có lợi cho khu vực, qua đó khẳng định sức mạnh và tầm vóc mới của ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục