Trách nhiệm của Đức trong sự suy yếu của châu Âu

Theo các nhà phân tích châu Âu, việc châu Âu đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng phần lớn bắt nguồn từ sai lầm chính sách của Đức và nước Đức phải chịu trách nhiệm về tình trạng đi xuống ở khu vực.
(Nguồn: Shutterstock)

Trong bối cảnh phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, châu Âu cần phải hành động. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) lại bị tê liệt và chưa bao giờ ở vào thế khó như hiện nay. Tất cả các nước thành viên phải chịu trách nhiệm về hiện trạng này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà phân tích châu Âu, tình trạng tồi tệ hiện nay phần lớn bắt nguồn từ sai lầm chính sách của Đức. Dưới đây là phân tích của phóng viên TTXVN tại Brussels:

Người ta không thể buộc Đức phải chịu trách nhiệm về tất cả. Tuy nhiên, nước Đức phải chịu phần lớn trách nhiệm về tình trạng nghèo đói hiện nay của châu Âu. Không chịu trách nhiệm sao được khi Đức là quốc gia rộng lớn và có ảnh hưởng nhất châu Âu.

Chỉ còn 3 tháng nữa là tới kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu, và “con bệnh châu Âu” vẫn đang nằm chờ bác sỹ. Châu Âu đang chịu một cơn đau dai dẳng và vẫn chưa tìm được thuốc chữa.

Thật sự, không thể mang lại một sự hưng phấn mới nào cho châu Âu và các thiết chế của nó trong năm bầu cử này. EU không còn được xem là đại diện cho đa số công dân mang lại giải pháp cho châu lục, thay vào đó lại gây ra nhiều vấn đề.

Một loạt thách thức mà họ phải đối mặt: một cuộc chiến tranh thương mại đầy cam go với Mỹ, một liên minh quân sự đang bị khủng hoảng trầm trọng về phương hướng, một đối tác thương mại ngày càng “tồi tệ” - theo góc nhìn của người châu Âu - là Trung Quốc, và vấn đề không được giải quyết là việc châu Âu muốn kiểm soát làn sóng tị nạn từ phương Nam tới.

Các cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp đã đặt ra vấn đề cho châu Âu: EU cần phải hành động, nhưng khối này đang ở vào tình thế lưỡng nan. Mọi thành viên đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng tê liệt này.

Thế nhưng, theo các nhà phân tích chính trị châu Âu, có một quốc gia đặc biệt có thể giúp đưa các nước khác ra khỏi khủng hoảng, đó là Đức.

Là quốc gia thành viên đông dân nhất và với nền kinh tế mạnh nhất, nước Đức có trách nhiệm lấp vào khoảng trống này. Berlin ít ra cần thử vượt qua những bế tắc.

Nhưng trái lại, thay vì tập trung vào việc tạo lòng tin với EU, chính phủ Đức lại rút lui. Điều đó làm suy yếu châu Âu vì những cuộc phiêu lưu đơn độc, những lời hứa suông hay đơn giản là thiếu lòng dũng cảm.

Cách hành xử chưa hợp lý của Đức đối với Nga, Trung Quốc và NATO?

[Đức: EU cần quân đội để bảo vệ lợi ích chung của châu Âu]

Theo đánh giá của các nhà phân tích châu Âu, Đức là nguyên nhân chính dẫn tới việc châu Âu thiếu đoàn kết khi đối phó với Nga. Thay vì cùng đương đầu với Nga, nước Đức lại khiến quan điểm của châu Âu suy yếu.

Trước mối bận tâm trong xử lý quan hệ với rất nhiều đối tác của châu Âu, Berlin lại tập trung vào dự án đường ống dẫn dầu gây nhiều tranh cãi “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia châu Âu, người nào phụ thuộc vào khí đốt của Nga thì sẽ mất đi ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong chiến tranh mạng với Trung Quốc, các nhà phân tích châu Âu cho rằng chính phủ Đức ngây thơ đến mức khó tin.

Trong khi người Pháp đã nghĩ tới việc loại bỏ công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, vốn bị nghi ngờ hoạt động gián điệp trong khuôn khổ xây dựng thế hệ mạng di động thứ 5 (5G), thì chính phủ Đức lại tin tưởng vào những bảo đảm an ninh do nhà cung cấp này đưa ra.

Các kết quả của chính sách tái cân bằng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng ít ỏi. Sau quyết định của Anh rời khỏi EU, Đức cuối cùng đã trở thành đối tác chính của Mỹ tại châu Âu.

Tuy nhiên, thay vì đàm phán một cách thông minh với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân danh châu Âu, Đức lại tấn công ông ta.

Tổng thống Mỹ đã cảnh báo rằng Berlin đang chậm trễ trong thực hiện cam kết với NATO về chi tiêu quốc phòng của mình.

Người ta có thể thảo luận các vấn đề theo lối làm truyền thông, nhưng Trump có lý lẽ rất đơn giản là: ai muốn đại diện một cách đáng tin cậy cho an ninh và lợi ích của phương Tây thì cũng phải chứng minh rõ ràng ý định ấy.

Hạn chế của Đức trong vai trò lãnh đạo EU

Theo các nhà quan sát, nghiêm trọng nhất là sự yếu kém của Đức trong vai trò lãnh đạo EU.

Nền tảng của EU bị xói mòn, và các nước thành viên như Hungary và Ba Lan đang dần xét lại các nguyên tắc như nhà nước pháp quyền, sự độc lập của quyền tư pháp và tự do ngôn luận.

Một thành viên chủ chốt và có ảnh hưởng trong EU như Đức cần phải giữ vai trò trung tâm trong việc xác định các ranh giới đỏ và các biện pháp trừng phạt trong trường hợp có vi phạm.

Tuy nhiên, thay vì điều đó, đảng của Thủ tướng Đức Angela Merkel - vốn cùng trong nhóm với đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Nghị viện châu Âu - đã để cho các nước này tiếp tục phá hủy nền dân chủ của EU.

Tất cả điều đó cho thấy vì do dự và thiếu dũng cảm, các nhà lãnh đạo châu Âu - đặc biệt là Đức - đã bỏ rơi châu Âu mặc dù họ vẫn có khả năng bảo vệ châu lục này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục