Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Ban quản trị chùa Kom Pong Thmo (Padumavansa) vừa tiến hành khai quật trên diện tích 400m2 tại di chỉ chùa Lò Gạch nằm trong khuôn viên chùa Kom Pong Thmo, ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh).
Di chỉ khảo cổ này được biết đến và tiến hành khảo sát vào thập niên 80 của thế kỷ 20, với việc ghi nhận các dấu vết của di chỉ kiến trúc trên diện tích rộng khoảng 5ha xuất lộ nhiều nền gạch, vỉa gạch rải rác thành từng cụm ở nhiều nơi.
Các dấu vết tập trung nhiều nhất trong khuôn viên chùa Kom Pong Thmo, với dấu vết của một kiến trúc gạch hình tứ giác (8x8m), cao 0,5-0,6m, tương tự như gạch trong các di chỉ khảo cổ hậu Óc Eo.
Năm 2008, trong quá trình đào móng để xây dựng cổng và hàng rào chùa Kom Pong Thmo đã xuất lộ nhiều gạch cổ cùng các dấu vết kiến trúc cổ. Đáng kể nhất là một bệ Yoni còn nguyên vẹn làm bằng sa thạch hạt mịn màu xám xanh đen, bề mặt có lớp patin màu xám sáng...
Qua điều tra, khảo sát các nhà nghiên cứu đã xác định tại đây có hai loại hình di chỉ quan trọng, gồm di chỉ kiến trúc tôn giáo và di chỉ “vòng tường thành đắp đất.” Tại khu vực này hiện xuất lộ nền móng của một phức hợp gồm nhiều kiến trúc; trong đó, có một gò cao dạng hình chữ nhật dài 20m, rộng 14m, cao hơn mặt sân chùa từ 1-1,5m với rất nhiều gạch vỡ, các khối sa thạch.
Về phía Tây-Tây Nam của chùa Lò Gạch có một cấu trúc thành đắp đất có quy mô lớn; phía Đông Tây có chiều dài khoảng 890m, chiều dài phía Bắc Nam khoảng 750m.
Bờ thành đắp đất cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 2-3m; bề mặt rộng khoảng 10-12m, có nơi rộng đến 20m. Đây là vòng thành có qui mô lớn nhất được biết từ trước đến nay ở miền đất Tây Nam bộ, với hiện trạng còn tương đối nguyên trạng.
Việc tiến hành khai quật di chỉ chùa Lò Gạch là nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học để xác định một cách chính xác diện phân bố của di chỉ kiến trúc này; trong đó, có bao nhiêu kiến trúc chính, kiến trúc phụ và kết cấu tổng thể của chúng; loại hình kiến trúc; niên đại của di chỉ.
Việc khai quật khu di chỉ này còn làm cơ sở để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích./.