Trà Vinh: Hướng đến khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh đang xét duyệt triển khai xây bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon, khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa, hướng đến tham gia thị trường carbon.

Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa/ TTXVN)
Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa/ TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ mới đây cho thấy với cây dừa trồng hơn 10 năm, 1ha dừa mỗi năm có khả năng hấp thụ được 70-75 tấn CO2.

Nếu tính mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành hàng dừa của tỉnh Trà Vinh trong tương lai có thể thêm khoản thu lớn từ bán tín chỉ carbon.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đang xét duyệt để triển khai nhiệm vụ khoa học-công nghệ về "Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh Trà Vinh," từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng này.

Trong giai đoạn 2022-2025, quá trình nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng dừa, tỉnh xác định việc thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

TTXVN_2006caydua.jpg
Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa/ TTXVN)

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh trồng 27.390ha dừa, với sản lượng hàng năm khoảng 444 triệu quả.

Đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, được Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị nhiều năm qua.

Địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ trồng dừa nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt (trong nước và xuất khẩu), xây dựng nhà máy chế biến và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế.

Tỉnh thúc đẩy liên kết theo 2 hướng: phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín, lâu dài. Đồng thời cũng khuyến khích liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu.

Ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư, thành lập hợp tác xã kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, mặt bằng để tập kết và sơ chế nguyên liệu dừa trái để sản xuất và phát triển các dịch vụ.

Cùng với đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn ban đầu cho các hợp tác xã xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sơ chế và xe vận chuyển, cũng như đào tạo các kỹ năng cần thiết cho lao động tại hợp tác xã.

Việc trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã được tỉnh Trà Vinh thực hiện 8 năm trước.

Từ năm 2016, tỉnh Trà Vinh bắt đầu hình thành vùng dừa hữu cơ đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế: EU, USDA với 369 ha tại xã Đại Phước, huyện Càng Long do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) xây dựng.

Đến nay, toàn tỉnh có 5.276ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn của EU, USDA, Canada, Trung Quốc; trong đó, huyện Tiểu Cần 2.311ha, Càng Long 2.063ha, Châu Thành 902ha.

Toàn bộ diện tích dừa hữu cơ trên đều được 6 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh liên kết thu mua với giá đề xuất cao hơn từ 5-15% giá dừa thường.

Đến nay, tỉnh cũng có 18 mã số vùng trồng nội địa được cấp trên cây dừa với diện tích 1.312,2ha và 1 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 150ha.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang từng bước khai thác tiềm năng thị trường tín chỉ carbon từ cây lúa. Tỉnh đang thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030."

Địa phương tập trung xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.550ha, năm 2030 đạt 30.736ha tại 42 xã của 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh gồm Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Nông dân tham gia mô hình sẽ đạt lợi nhuận kép nhờ việc nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo và bán tín chỉ carbon.

Vụ Hè Thu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai 2 mô hình điểm với quy mô 50 ha/mô hình tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ và Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đây là 2 trong 7 mô hình điểm của Đề án để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mô hình thí điểm tại 2 hợp tác xã này được thực hiện liên tiếp 3 vụ: Hè Thu 2024, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025.

Thành viên hợp tác xã tham gia mô hình được tập huấn, chuyển giao các biện pháp canh tác bền vững, cách xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số, mã số vùng trồng xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục