Trà Vinh: Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, các hộ nuôi không có lãi

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh, với giá tôm nguyên liệu hiện nay, các hộ nuôi chỉ hòa vốn, hoàn toàn không có lãi, thậm chí còn thua lỗ nếu xảy ra dịch bệnh.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hơn 1 tháng nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục giảm mạnh. Hiện, tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giá chỉ còn 135.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 115.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 100.000 đồng/kg, loại 50-100 con/kg giá dao động từ 75.000-96.000 đồng/kg.

Tất cả các loại tôm thẻ chân trắng nguyên liệu đều giảm từ 30.000-60.000 đồng/kg so với tháng trước và giảm khoảng 100.000 đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán 2023.

Giá tôm sú các loại cũng giảm từ 20.000-70.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, hiện tôm sú loại 20 con/kg có giá 240.000/kg, loại 30 con/kg giá 160.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 135.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 120.000 đồng/kg.

Ông Trần Trường Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam giảm mạnh là do nhiều nước trên thế giới trúng mùa tôm. Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, phần lớn các nước hiện thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu rất hạn chế.

Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Indonesia, Ecudor có lượng tôm xuất khẩu rất lớn với giá thấp hơn Việt Nam từ 20.000-30.000 đồng/kg. Vì vậy, tôm nguyên liệu ở Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở Việt Nam hầu như không có đơn đặt hàng.

Theo ông Trần Trường Giang, chi phí sản xuất tôm nguyên liệu Việt Nam khá cao do qua nhiều khâu trung gian. Với giá tôm nguyên liệu hiện nay, các hộ nuôi ở Trà Vinh chỉ hòa vốn, hoàn toàn không có lãi, thậm chí còn thua lỗ nếu xảy ra dịch bệnh. Chính vì vậy, hiện nhiều hộ sau khi thu hoạch đã chọn giải pháp tạm "treo ao," chưa vội tái vụ để chờ giá tăng trở lại.

[Phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long]

Để giảm giá thành tôm nguyên liệu ở Trà Vinh, giúp mặt hàng này tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích các hộ nuôi tôm liên kết sản xuất, ký kết trực tiếp với doanh nghiệp, không qua thương lái để giảm các chi phí trung gian.

Các hộ nuôi tôm cũng nên thả giống mật độ thưa để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh do hiện thời tiết vẫn đang bất thường, môi trường nước chưa ổn định.

Vụ nuôi tôm năm 2023, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi khoảng 950 triệu con giống tôm sú trên diện tích gần 18.000ha và hơn 3,5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 4.600ha.

Do nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn nên môi trường ao nuôi biến động, gây thiệt hại khoảng 58 triệu con tôm sú trên diện tích 371ha và thiệt hại hơn 315 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 465ha.

Tôm chết ở giai đoạn từ 25-55 ngày tuổi, chủ yếu do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đỏ thân, đường ruột…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục