Các hộ nuôi cá lóc ở Trà Vinh hiện đang đối mặt với nguy cơ lỗ vì giá cả đang có xu hướng giảm. Cụ thể, cá lóc loại 1 (khoảng 2-3 con/kg) có giá từ 29.000-30.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với trước.
Bên cạnh đó, cá lóc nuôi hiện cũng rất khó tiêu thụ, khả năng giá tiếp tục giảm là điều khó tránh khỏi.
Các hộ nuôi cá lóc cho biết, chỉ tính riêng con giống và thức ăn để có 1 kg cá lóc thương phẩm người nuôi chi phí không dưới 30.000 đồng. Với giá như hiện nay các hộ nuôi cá lóc khó thu được lãi, đa phần bị lỗ từ 500-1.000 đồng/kg cá thương phẩm; riêng các hộ chẳng may gặp rủi ro dịch bệnh sẽ bị thua lỗ nặng.
Cụ thể như hộ ông Trần Văn Tám, ngụ ấp Giồng Giữa, xã Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) vụ nuôi năm 2014-2015 gia đình ông thả nuôi hơn 100.000 con cá lóc giống trên diện tích gần 1.500 m2 mặt nước.
Do bị ảnh hưởng khô hạn, nước mặn xâm nhập, nước trong ao nuôi bị cạn kiệt, nhiều ngày không thay nước dẫn đến nguồn nước trong ao nuôi bị ô nhiễm, cá nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến gia đình ông chịu lỗ không dưới 30 triệu đồng trong vụ nuôi này.
Bà Mai Thị Liên, chuyên kinh doanh thuỷ sản tại chợ trung tâm thành phố Trà Vinh cho rằng, nguyên nhân cá lóc nuôi giảm giá thấp là do chất lượng cá lóc nuôi kém xa cá lóc đồng sinh sống ngoài tự nhiên, khiến người tiêu dùng chọn mua các loài thuỷ sản khác để phục vụ các bữa ăn hàng ngày trong gia đình.
Trong khi đó, diện tích nuôi loài thuỷ sản này hiện phát triển rất mạnh ở các tỉnh trong khu vực khiến cung vượt cầu…
Trước đây, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh từng khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc. Bởi vì loại thuỷ sản này hiện chỉ tiêu thụ nội địa với số lượng không nhiều, nếu mở rộng diện tích “ồ ạt” cung sẽ vượt cầu, giá cả xuống thấp dẫn đến thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Hơn nữa, hệ thống thuỷ lợi ở vùng nuôi cá lóc hiện còn nhiều bất cập, môi trường nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng, khả năng cá bị nhiễm bệnh là rất lớn.
Mặt khác, con giống nhân tạo tại địa phương hiện chưa sản xuất được, người nuôi phải đến các tỉnh bạn mua con giống nên không quản lý được chất lượng; trong khi đó, trình độ người nuôi còn hạn chế, nuôi theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ…
Tuy nhiên, do giá cả một số loại cây trồng không ổn định, trong khi đó có thời điểm giá cá lóc nuôi đứng ở mức cao, người nuôi thu lãi khá nên có nhiều nông dân ở các huyện: Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè… bất chấp khuyến cáo của các nhà quản lý và chuyên môn ở địa phương, đầu tư đào ao chuyển diện tích đất trồng mía, lúa…sang nuôi cá lóc.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 hộ thả nuôi khoảng 120 triệu con cá lóc giống trên diện tích hơn 250 ha./.