Trà Thái Nguyên bội thu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng khác, hiện ở mức 120.000-250.000 đồng/kg trà thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000-450.000 đồng/kg trà xanh đặc sản.

Chè (trà) là vật phẩm, thức uống không thể thiếu của người Việt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại tỉnh Thái Nguyên, với thương hiệu chè nổi tiếng cả nước, từ đầu tháng 11 Âm lịch tới nay, các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tất bật sản xuất, cung ứng ra thị trường Tết những sản phẩm chè chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh… để phục vụ người tiêu dùng.

Đứng chân trên vùng lõi của vùng chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Hợp tác xã chè Hảo Đạt nổi tiếng với sản phẩm chè Tôm nõn đã được Trung ương đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Từ đầu tháng Chạp năm 2023 tới nay, để sản xuất ra số lượng lớn hàng phục vụ Tết, Hợp tác xã đã huy động tất cả thành viên, chạy tối đa công suốt hệ thống máy móc chế biến chè.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết hiện mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 1,5-2,5 tấn chè. Sản lượng chè tiêu thụ dịp Tết có thể bằng sản lượng 7-8 tháng trong năm.

Các thành viên Hợp tác xã chè Hảo Đạt tất bật đóng gói sản phẩm cho vụ Tết. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết, Hợp tác xã đưa ra thị trường đa dạng dòng sản phẩm chè với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, sạch, có nguồn gốc rõ ràng… với giá thành từ 250.000 đồng tới 3 triệu đồng/kg.

Nhiều dòng sản phẩm cao cấp như hai sản phẩm là trà đinh, trà tôm nõn đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, đang trình Trung ương đánh giá xếp hạng cấp quốc gia.

Để phục vụ chè Tết, ngay từ giữa năm, các làng nghề chè, hợp tác xã đã tích cực chăm sóc cây chè trong thời tiết khắc nghiệt, đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường nên giá thành hợp lý.

Theo nhiều hợp tác xã, Tết năm nay, các dòng sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP, trà đặc sản cao cấp có mẫu mã đẹp đang được nhiều người lựa chọn.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuyết Hương, huyện Đồng Hỷ cho biết ngay từ những tháng giữa năm Hợp tác xã đã phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu, từ việc chăm sóc cây chè sao cho sạch, thiết kế mẫu mã bao bì cho phù hợp từng dòng sản phẩm, từ hàng bình dân cho tới cao cấp để cho ra thị trường những sản phẩm chè có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt , phù hợp.

Dịp Tết, các dòng sản phẩm chè cao cấp với mẫu mã đẹp của Hợp tác xã được nhiều người lựa chọn để dùng làm quà biếu, tặng, đặc biệt là các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có diện tích chè lớn nhất cả nước với 22.649ha, giá trị sản phẩm bình quân 1ha chè đạt 270 triệu đồng; giá trị sản phẩm trà qua chế biến đạt trên 10.400 tỷ đồng.

Tính đến nay, ngành chức năng đã cấp 12 nhãn hiệu cho sản phẩm chè, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể; đặc biệt, nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên được bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); chỉ dẫn địa lý Tân Cương được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu; tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức 120.000-250.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000-450.000 đồng/kg trà xanh đặc sản; trà đặc sản cao cấp có giá từ 500.000-3.000.000 đồng/kg và cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên đánh giá người dân rất sáng tạo để tạo ra các dòng sản phẩm chè đa dạng và hiện nay việc quản lý chất lượng của ngành nông nghiệp đối với chè rất tốt, từ quản lý vùng nguyên liệu cho đến khâu chế biến, mở rộng thị trường.

Dịp giáp Tết Nguyên đán, chè thường được bán ra nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Đây cũng là cơ hội lớn để chè Thái Nguyên mở rộng thị trường, vươn tới nhiều nơi từ trong nước tới ngoài nước, đem lại thu nhập bền vững cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục