Trịnh Tú Emotion - Nhẹ như là... cảm xúc

Trả nghiệp cho hội họa: Trịnh Tú Emotion - Nhẹ như là... cảm xúc

Bạn cần một một phút sống chậm lại để tâm hồn tĩnh tại và thảnh thơi, hãy đến với Trịnh Tú và triển lãm tranh của anh ở Flora Cafe-Art Gallery, 713 Lạc Long Quân, Tây Hồ.

Sớm ra phố - Sơn dầu của Trịnh Tú

Một không gian nho nhỏ, một triển lãm cũng nho nhỏ, những màu sắc nhẹ nhàng, như chính tính cách người họa sỹ. Ấm cúng đến dịu dàng, khiêm nhường đến e ấp, ngay cả tiếng cụng ly cũng khe khẽ như sợ những cánh hoa hàm tiếu trong tranh sẽ rời cánh ra hay cô gái-nhân vật của tranh sẽ giật mình ngơ ngác…

Màu nhẹ như không, bảng lãng như những làn mây cuối chiều khi hoàng hôn đã qua đi mà bóng đêm thì chưa kịp xuống. Màu ẩn dụ sau màu, như không còn là màu nữa tựa như cái duyên ngầm của một thiếu nữ không thể định nghĩa bằng lời. Mười tám bức tranh, trong đó có một bức cho Nhí - là đúng số tuổi của Nhí - cô con gái cưng út ít của họa sỹ, đã bắt đầu qua tuổi thiếu nữ học đường để chuẩn bị đi vào cuộc đời lớn, trường học lớn tận một nơi xa xôi, mà cứ mỗi lần nhắc đến, họa sỹ vừa tự hào, lại như rưng rưng nước mắt.

Giấc mơ- Sơn dầu của Trịnh Tú

Tinh tế và cẩn trọng. Cầu kỳ và kỹ lưỡng đến cả từng nhát bút, từng nét phẩy nhẹ của sáng tạo, tất cả làm nên một "Cảm xúc Trịnh Tú."

Không bay bổng, không ồn ã… như thoảng nhẹ hương sen đâu đó, như làn gió mỏng mảnh khẽ lùa vào chỉ đủ lay khẽ sợi tóc mai, như một nốt nhạc của Chopin trong một khúc Nocturne dẫu đã nghe hàng ngàn lần vẫn rung động khác lạ như lần đầu tiên.

Và đặc biệt ngỡ ngàng, khi những gam màu nhẹ như sương khói, như cảm xúc tưởng chừng chạm vào là tan ra đó, lại được họa sỹ sáng tác lên từ chất liệu sơn dầu mà thoạt nhìn ngỡ như là bột màu vậy…

Nếu bạn cần có một điểm lặng, một phút sống chậm lại, để tâm hồn tĩnh tại và thảnh thơi giữa bộn bề cuộc sống, hãy đến với Trịnh Tú và triển lãm tranh đặc biệt của anh tại Flora Cafe - Art Gallery, 713 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hoa tím- Sơn dầu của Trịnh Tú
Còn nếu bạn yêu hội họa, và bạn muốn biết thêm về người họa sỹ này, về tranh của anh, hãy tham khảo bài phê bình của họa sỹ Lê Thiết Cương, dưới đây.

TRẢ NGHIỆP

Nếu không có triển lãm này thì vẽ với Trịnh Tú mới chỉ dừng lại ở nghề thôi. Chưa phải là nghiệp. Làm nghề cũng chả dễ gì nhưng nó vẫn là chuyện đã đành, ai mà chả phải làm gì đó, mỗi người mỗi nghề nhưng nghiệp thì... thỉnh thoảng mới lại gặp người “mang nghiệp vào thân.”

Từ ngày đầu tiên cầm bút, nay đã lục tuần, vẽ này vẽ kia, lúc đi lúc nghỉ. Trịnh Tú hoàn toàn yên lòng để sống tiếp như thế, làm nghề tiếp như thế nhưng rồi sinh sự sự sinh. Cái hòn sỏi thiêng đánh thức mặt hồ ngủ yên ấy là nghiệp. Đã mang nghiệp thì sao mà yên được, sao mà ngủ được? Vẽ cả đời chưa chắc đã là nghiệp nhưng có khi bừng tỉnh ở cái ga cuối lại là...

Hoa- Sơn dầu của Trịnh Tú

Nghiệp cho ta được cảm giác “không đành lòng,” “không yên lòng,” nghiệp cho ta được phiêu du, được bấp bênh, được thao thức. Vẽ đâu chỉ là chuyện xấu đẹp, thành bại mà hiểu theo một nghĩa nào đó vẽ là trả nghiệp.

Khởi từ người vẽ giải phẫu ở nhà thương, rồi vẽ minh họa sách báo, viết phê bình mỹ thuật, vẽ biếm... thế mà cũng chẳng bằng lòng. Nghệ thuật cứu rỗi người ta ở cái chỗ không bằng lòng ấy. Ngần ấy năm tháng đằng đẵng nhưng cũng chỉ mới chạm vào vẽ thôi, ngần ấy năm tháng trăn trở băn khoăn chính là tự vấn, tự hỏi mình một câu hỏi duy nhất và muôn thuở hội họa là gì? Nói chính xác, với chính mình thì hội họa là gì?

Với họa sỹ Trịnh Tú, quan trọng là cách đặt câu hỏi nên mấy chục năm đã qua của anh suy cho đến cùng là quãng đường đi tìm câu hỏi và khi đã tìm ra, khi đã có câu hỏi, khi đã qua vũ môn cực nhọc ấy thì hôm nay vẽ sẽ là một điều giản dị và thuận tự nhiên.

Cho nên xem tranh Trịnh Tú, người ta không còn bị thấy những nỗ lực, những cầu kỳ, những khổ ải, những “hành nghề”. Khi cực nhọc đã nằm ở đoạn trường đi tìm câu hỏi thì câu trả lời của Trịnh Tú trở nên đầy thong thả, đầy chia sẻ, an lành.

Khởi từ một gia đình từ cha mẹ, anh chị em đều làm hội họa và mê đắm họa phái ấn tượng, nên sự xa lánh truyền thống gia đình để tìm đến con đường khác của Trịnh Tú lại là một điều hay.

Trịnh Tú ưa dùng bảng màu trung độ, không lạnh quá, nóng quá, không đậm quá nhạt quá, không chói chang, xanh đỏ tím vàng, tất cả các mầu đều đã được giảm đi cường độ tươi vốn có. Cứ diết dóng mãi chuyện đen trắng, sai đúng, phải quấy để làm gì? Ngẫm kỹ thì sẽ thấy, cũng phải vào tuổi này, khi mọi sự ở đời đã được nhìn với cái nhìn quân bằng hơn, vô sự hơn thì mới có thể dùng được bảng mầu trung độ, mới có thể làm cho trung độ sâu thẳm hơn.

Trịnh Tú muốn khai thác độ đậm nhạt của mầu hơn là bản thân các mầu ấy. Trịnh Tú muốn cảm về mầu hơn là chính mầu ấy. Cảm về nhau là đã có nhau rồi. 



Sen trắng- Sơn dầu của Trịnh Tú

Một thú vị nữa là cách Trịnh Tú tạo hình bằng những miếng mầu to nhỏ, dài ngắn, vuông tròn, xô lệch kiểu mosaic giống như đụng chạm, như vô tình, như dấu vết của yêu thương, của vui buồn. Dù bất hạnh hay hạnh phúc thì mọi sự khi đã qua, đã là ký ức, là kỷ niệm, đã là một phần của ta thì nó đều đẹp.

18 bức tranh cũng chỉ là “một câu trả lời”, “một trao gửi ” đẹp, “một trả nghiệp” đẹp của mình, cho mình và cho bạn bè./.

Lê Thiết Cương
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục