Từ chỗ chỉ trồng nhỏ lẻ, phục vụ kinh tế hộ gia đình, trải qua một thời gian dài, ngành trà vùng B’Lao (tỉnh Lâm Đồng) đã chinh phục thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài với sản lượng xuất khẩu khoảng 12.000 tấn, đạt giá trị 16 triệu USD/năm.
Có thể nói, vùng trồng chè tại Bảo Lộc, Bảo Lâm (trước đây gọi chung là B’Lao) là cái nôi của ngành trà Lâm Đồng. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, những đồi chè đã phủ xanh hai bên quốc lộ 20 nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt.
Bắt đầu từ đèo Bảo Lộc chạy dài đến địa phận huyện Di Linh ngày nay là những đồn điền chè rộng lớn như Thái Phong, Bích Khuê, Sô-ven, Basto, Năm Mộng, Huỳnh Hoa… Đặc biệt từ ngã ba Lộc Sơn kéo dài đến vùng Bảo Lâm là khu trồng chè ngon, chất lượng tốt và có diện tích lớn nhất của xứ trà B’Lao.
Ông Vũ Hùng Anh (63 tuổi, người gắn bó với cây chè hàng chục năm nay) cho biết: “Từ những năm 50 trở lại đây, cứ vào buổi chiều là xe chở trà từ nông trường về nhà máy chạy tấp nập trên quốc lộ 20. Dọc tuyến đường này cũng có rất nhiều bảng hiệu của các hãng trà nổi tiếng thời đó.”
Một thời gian sau, nhiều đồn điền, nhà máy, cơ sở trồng chè quy mô nhỏ của các hộ gia đình người Việt bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Nhiều cơ sở chế biến trà hình thành cũng là lúc thị trường tiêu thụ chè cần được mở rộng. Do đó, hợp tác xã ngành trà cũng được thành lập để thu mua, chế biến, tiêu thụ trà cho người dân để không bị các thương lái nơi khác đến ép giá.
Ông Hùng Anh cho biết thêm: “Khi tôi còn đi học, gia đình tôi đã trồng chè quy mô nhỏ, khi ấy cây trà đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đến năm 1975 tôi cũng bắt đầu làm trà, nối nghiệp của ông bà, cha mẹ cho đến ngày nay.”
Vùng trà B’Lao ngày càng nổi tiếng nhờ sự xuất hiện của những cơ sở sản xuất trà ướp hương đầu tiên và hình thành nghiệp đoàn ướp trà hương đặc trưng. Những cơ sở sản xuất trà ướp hương hàng đầu tại B’Lao là danh trà Đỗ Hữu, Trâm Anh, Quốc Thái, Bảo Tín… Về kỹ thuật ướp hương trà thì mỗi gia đình, thương hiệu đều có những kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên cơ bản vẫn tuân theo một quy trình và chủ yếu là dùng các hương liệu như hương sói, hương lài, hương sen, sâm dứa… để ướp trà.
Cụ bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, người sáng lập danh trà Đỗ Hữu, nay đã ở tuổi gần 90, bồi hồi kể lại: “Ngày trước tôi cùng anh trai đi làm thuê cho các đồn điền trồng chè của người Pháp, thấy họ làm hiệu quả nên tôi và anh trai cũng nghiên cứu trồng chè. Sau đó áp dụng các biện pháp ướp hương cho trà và được người dân ưa dùng, mua trà ướp hương đi biếu khắp nơi, góp phần quảng bá trà hương cho xứ B’Lao.”
Khác với chế biến trà thủ công ngày xưa, hiện nay công nghệ ướp hương trà đã được nâng lên một bậc. Nhiều doanh nghiệp chuyên về ướp hương trà đã đầu tư máy móc, thiết bị hàng trăm triệu đồng để phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường.
Trong tổng số hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp chế biến trà chất lượng cao tại Lâm Đồng không thể không nhắc tới những cái tên như Tâm Châu, Quốc Thái, Phương Nam, Ngọc Bảo, Rồng Vàng…
Ông Trần Đại Bình, Giám đốc Kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trà Thiên Thành (thành phố Bảo Lộc), cho biết, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại mà hiện nay mỗi tháng trà Thiên Thành sản xuất được 20-30 tấn trà các loại, chủ yếu là trà ướp hương, trà túi lọc, trà Ô long.
Ngoài những dòng sản phẩm cao cấp còn hướng đến phân khúc thị trường giá rẻ, bình dân nên nhờ đó mà thị trường được bao phủ hầu khắp các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Bắc, miền Nam.
Theo thống kê, diện tích trồng chè tại Lâm Đồng hiện nay là hơn 24.000ha, chiếm 20% diện tích trồng chè của cả nước. Chỉ tính riêng vùng Bảo Lộc - Bảo Lâm đã có hơn 15.000ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm.
Nhờ thế mạnh về vùng nguyên liệu sẵn có nên vùng chè B’Lao nói riêng đã có nhiều điều kiện phát triển mạnh mẽ. Không chỉ phủ khắp thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước mà hiện nay sản phẩm chè Lâm Đồng đã vươn ra thị trường thế giới với sản lượng xuất khẩu khoảng 12.000 tấn, đạt giá trị 16 triệu USD/năm. Cây chè nói riêng và ngành trà nói chung đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng và toàn tỉnh Lâm Đồng./.
Có thể nói, vùng trồng chè tại Bảo Lộc, Bảo Lâm (trước đây gọi chung là B’Lao) là cái nôi của ngành trà Lâm Đồng. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, những đồi chè đã phủ xanh hai bên quốc lộ 20 nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt.
Bắt đầu từ đèo Bảo Lộc chạy dài đến địa phận huyện Di Linh ngày nay là những đồn điền chè rộng lớn như Thái Phong, Bích Khuê, Sô-ven, Basto, Năm Mộng, Huỳnh Hoa… Đặc biệt từ ngã ba Lộc Sơn kéo dài đến vùng Bảo Lâm là khu trồng chè ngon, chất lượng tốt và có diện tích lớn nhất của xứ trà B’Lao.
Ông Vũ Hùng Anh (63 tuổi, người gắn bó với cây chè hàng chục năm nay) cho biết: “Từ những năm 50 trở lại đây, cứ vào buổi chiều là xe chở trà từ nông trường về nhà máy chạy tấp nập trên quốc lộ 20. Dọc tuyến đường này cũng có rất nhiều bảng hiệu của các hãng trà nổi tiếng thời đó.”
Một thời gian sau, nhiều đồn điền, nhà máy, cơ sở trồng chè quy mô nhỏ của các hộ gia đình người Việt bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Nhiều cơ sở chế biến trà hình thành cũng là lúc thị trường tiêu thụ chè cần được mở rộng. Do đó, hợp tác xã ngành trà cũng được thành lập để thu mua, chế biến, tiêu thụ trà cho người dân để không bị các thương lái nơi khác đến ép giá.
Ông Hùng Anh cho biết thêm: “Khi tôi còn đi học, gia đình tôi đã trồng chè quy mô nhỏ, khi ấy cây trà đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đến năm 1975 tôi cũng bắt đầu làm trà, nối nghiệp của ông bà, cha mẹ cho đến ngày nay.”
Vùng trà B’Lao ngày càng nổi tiếng nhờ sự xuất hiện của những cơ sở sản xuất trà ướp hương đầu tiên và hình thành nghiệp đoàn ướp trà hương đặc trưng. Những cơ sở sản xuất trà ướp hương hàng đầu tại B’Lao là danh trà Đỗ Hữu, Trâm Anh, Quốc Thái, Bảo Tín… Về kỹ thuật ướp hương trà thì mỗi gia đình, thương hiệu đều có những kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên cơ bản vẫn tuân theo một quy trình và chủ yếu là dùng các hương liệu như hương sói, hương lài, hương sen, sâm dứa… để ướp trà.
Cụ bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, người sáng lập danh trà Đỗ Hữu, nay đã ở tuổi gần 90, bồi hồi kể lại: “Ngày trước tôi cùng anh trai đi làm thuê cho các đồn điền trồng chè của người Pháp, thấy họ làm hiệu quả nên tôi và anh trai cũng nghiên cứu trồng chè. Sau đó áp dụng các biện pháp ướp hương cho trà và được người dân ưa dùng, mua trà ướp hương đi biếu khắp nơi, góp phần quảng bá trà hương cho xứ B’Lao.”
Khác với chế biến trà thủ công ngày xưa, hiện nay công nghệ ướp hương trà đã được nâng lên một bậc. Nhiều doanh nghiệp chuyên về ướp hương trà đã đầu tư máy móc, thiết bị hàng trăm triệu đồng để phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường.
Trong tổng số hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp chế biến trà chất lượng cao tại Lâm Đồng không thể không nhắc tới những cái tên như Tâm Châu, Quốc Thái, Phương Nam, Ngọc Bảo, Rồng Vàng…
Ông Trần Đại Bình, Giám đốc Kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trà Thiên Thành (thành phố Bảo Lộc), cho biết, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại mà hiện nay mỗi tháng trà Thiên Thành sản xuất được 20-30 tấn trà các loại, chủ yếu là trà ướp hương, trà túi lọc, trà Ô long.
Ngoài những dòng sản phẩm cao cấp còn hướng đến phân khúc thị trường giá rẻ, bình dân nên nhờ đó mà thị trường được bao phủ hầu khắp các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Bắc, miền Nam.
Theo thống kê, diện tích trồng chè tại Lâm Đồng hiện nay là hơn 24.000ha, chiếm 20% diện tích trồng chè của cả nước. Chỉ tính riêng vùng Bảo Lộc - Bảo Lâm đã có hơn 15.000ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm.
Nhờ thế mạnh về vùng nguyên liệu sẵn có nên vùng chè B’Lao nói riêng đã có nhiều điều kiện phát triển mạnh mẽ. Không chỉ phủ khắp thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước mà hiện nay sản phẩm chè Lâm Đồng đã vươn ra thị trường thế giới với sản lượng xuất khẩu khoảng 12.000 tấn, đạt giá trị 16 triệu USD/năm. Cây chè nói riêng và ngành trà nói chung đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng và toàn tỉnh Lâm Đồng./.
Nguyễn Dũng (TTXVN)