TPP và "tối hậu thư" 2 năm cho những doanh nghiệp dễ "tổn thương"

Theo lãnh đạo Vụ đa biên, vào TPP áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt hơn nhưng Việt Nam vẫn còn 2 năm để chuẩn bị và tái cơ cấu lại những ngành dễ bị tổn thương như nông nghiệp, chăn nuôi...
TPP và "tối hậu thư" 2 năm cho những doanh nghiệp dễ "tổn thương" ảnh 1Hàng hóa của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn trên sân nhà khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khả năng "tổn thương" trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là chăn nuôi của Việt Nam sẽ lớn hơn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc... đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương-Phó trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ), sau ký kết TPP, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng thời gian 2 năm để tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên lề hội nghị "Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đám phán" do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay (18/12), ông Lương Hoàng Thái đã có một số trao đổi với phóng viên về những tác động của các hiệp định này.

- Xin ông cho biết những tác động của Hiệp định TPP đối với các doanh nghiệp trong nước?

Ông Lương Hoàng Thái: Hiện nay, hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở giai đoạn cuối cùng về rà soát pháp lý trước khi các bên có thể ký kết, sau quá trình ký kết sẽ có 2 năm cho các nước phê chuẩn theo đúng qui định pháp luật của mỗi nước và Hiệp định TPP là hiệp định đặt ra tiêu chuẩn rất cao trong đó có phần cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho nhau và đây là cơ hội trực tiếp mà các nước đều hướng đến.

Đặc biệt, với Việt Nam khi tham gia hiệp định này, chúng ta có những đối tác hàng đầu trong khu vực nằm trong khối này cho nên dự kiến khi các nước mở cửa thị trường, đưa thuế về 0% thì cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam tương đối lớn.

Tuy nhiên, khả năng tận dụng các cơ hội như thế này là vấn đề cần đặt ra, ví dụ để được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may thì Việt Nam cần đáp ứng được quy tắc về xuất xứ, làm được một số khâu ở Việt Nam thì người ta mới coi là hàng được sản xuất ở Việt Nam và từ đó mới được hưởng ưu đãi của TPP.

Chính vì vậy, trong quá trình chuẩn bị để phê chuẩn hiệp định thì cũng chính là giai đoạn chúng ta cần rà soát lại tất cả các ngành và lĩnh vực để có thể sẵn sàng tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại.

Ngoài ra có tác động mang tính dài hạn hơn, đó là những thay đổi theo tiêu chuẩn về thương mại, về kinh tế trong Hiệp định TPP, đó cũng chính là những tiêu chuẩn mà các nước đã áp dụng để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, từ đó nếu như chúng ta áp dụng được những tiêu chuẩn này thì có khả năng cao chúng ta tạo được môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có khả năng thu hút được đầu tư bên ngoài và giúp chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhiều nước đi trước đã làm và đây cũng là một tác động lâu dài và ổn định giúp Việt Nam có tiền đề phát triển kinh tế trong tương lai.

- Khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, vậy làm thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội từ hiệp định TPP?

Ông Lương Hoàng Thái: Khả năng cạnh tranh của một số ngành của Việt Nam còn kém nhưng về tổng thể thì nền kinh tế thời gian qua đã có bước chuẩn bị về hội nhập, ví dụ những cam kết trong ASEAN thì đến nay Việt Nam đã thực hiện được trên 93% nội dung về cam kết mở cửa thị trường và chúng ta cạnh tranh với các nước trong ASEAN cũng là những nước có mức độ cạnh tranh rất cao.

Cùng với tiến trình hội nhập thì Việt Nam cũng vươn lên, nếu theo xếp hạng của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nếu như trước đây trên bản đồ thế giới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam rất kém nhưng hiện nay đã là nước xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới (không tính nội khối xuất khẩu của EU).

Tức là về tổng thể nền kinh tế, thì năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế không phải là kém nhưng trong một số ngành và đặc biệt trong một số nhóm doanh nghiệp có thể có năng lực cạnh tranh chưa đảm bảo cho quá trình hội nhập.

Như tôi đã nói, chúng ta vẫn còn thời gian chuẩn bị và là thời gian cần thiết để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cho những ngành này, thậm chí là có những bước cần tái cơ cấu lại để chuyển dịch lao động, chuyển dịch nguồn lực của chúng ta sang những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế so sánh tốt hơn, để từ đó tạo hiệu quả tốt hơn cho tổng thể nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập đó có một nhóm mặt hàng chúng ta đặc biệt quan tâm là mặt hàng nông sản thì việc tái cơ cấu cần có thời gian và việc chuẩn bị tăng năng lực cạnh tranh cũng cần có thời gian và sự đầu tư lớn cho nên việc đàm phán cũng đảm bảo thời gian dài nhất có thể để cho những ngành này có thời gian kịp chuyển đổi có thể đáp ứng những yêu cầu của hội nhập, mặt khác, thời gian tới cần có những biện pháp rất mạnh để thúc đẩy quá trình chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cho những ngành này.

TPP và "tối hậu thư" 2 năm cho những doanh nghiệp dễ "tổn thương" ảnh 2Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại Đa biên, Bộ Công Thương (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Những giải pháp rất mạnh đối với ngành này cụ thể như thế nào thưa ông?

Ông Lương Hoàng Thái: Vừa qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều hội nghị để bàn các biện pháp giúp cho một số ngành như chăn nuôi... để đáp ứng được các yêu cầu của cạnh tranh.

Còn trong nông nghiệp cũng đã có những thử nghiệm về cánh đồng mẫu lớn ở một số nơi trong khu vực miền Nam hoặc thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra giá trị sản lượng lớn, tạo ra năng suất lao động lớn thay cho việc sản xuất manh mún như thời gian trước đây.

Chúng ta cũng đã bàn và thí điểm nhưng tới đây cần chính thức hóa và có những chính sách mạnh hơn nữa để giúp cho ngành này hội nhập thành công và chúng ta có lộ trình tương đối dài để chuẩn bị trước khi mở cửa thị trường hoàn toàn.

- Thưa ông, gần đây nhiều mặt hàng như thịt gà...vừa qua đang phải đứng trước sức ép chống bán phá giá, vậy theo ông để cạnh tranh tốt khi vào TPP, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Lương Hoàng Thái: Năm 2015 các mặt hàng thịt gà, thịt lợn Việt Nam chưa tiến hành mở cửa, nhưng thực tế đã có những khó khăn trong cạnh tranh với nước ngoài.

Tất nhiên, có trường hợp nước ngoài cạnh tranh không bình đẳng thông qua chuyện bán phá giá... những chuyện này nếu có hồ sơ kiến nghị thì cơ quan quản lý sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Nhưng mặt khác, thời gian tới đây Việt Nam chính thức thực hiện mở cửa thị trường thông qua việc hội nhập thì tác động của nhập khẩu sẽ mang tính trực tiếp hơn và rõ rệt hơn nữa, nên việc chuẩn bị cho ngành mà hiện nay có năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì cần có bước chuyển mình hơn nữa.

Tuy vậy, cũng có tính chất hai mặt, trong đó hàng hóa vừa đảm bảo phù hợp giá cả nhưng cũng vừa phải đảm bảo để sản xuất trong nước phát triển được.

Nhìn ra các nước xung quanh như Thái Lan có điều kiện tương đối giống Việt Nam nhưng họ đã cạnh tranh rất thành công, riêng mặt hàng thịt gà có khả năng cạnh tranh cao nhất trên thế giới nên không có lý do gì chúng ta không thể làm như những nước láng giềng đã làm.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục