TPP và “mẫu số chung” trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ

Năm 2015 là năm Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, nếu đàm phán TPP được hoàn tất, sự kiện trên và TPP là động lực quan trọng để quan hệ kinh tế 2 bên phát triển thực chất.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn; TTXVN)

Trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tính đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ là nước có nhiều ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán cũng như khi TPP chính thức được triển khai.

Nhiều quan điểm cho rằng, TPP sẽ có nhiều thách thức cho Việt Nam vì một nền kinh tế đang phát triển sẽ khó có cơ hội cạnh tranh với Hoa Kỳ, một nền kinh tế phát triển và là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia, TPP sẽ đem đến "mẫu số chung" cho Việt Nam và Hoa Kỳ để hai bên cùng phát triển.

Năm 2015 sẽ là năm hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, và nếu đàm phán TPP được hoàn tất, sự kiện trên và TPP sẽ là động lực quan trọng để quan hệ kinh tế hai bên phát triển thực chất và hiệu quả hơn.

Nhiều cơ hội gia tăng xuất siêu

TPP đang được Việt Nam và Hoa Kỳ cùng tham gia đàm phán ký kết, có tham vọng mở cửa thị trường toàn diện (cắt giảm gần như toàn bộ số thuế quan, trừ một số mặt hàng nhạy cảm), dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư, dịch vụ theo nguyên tắc chọn bỏ, mở cửa thị trường mua sắm công, dịch vụ tài chính...

Phạm vi đàm phán TPP cũng có mức rộng hơn so với Hiệp định song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, nhất là bao gồm các lĩnh vực phi truyền thống.

Tham gia TPP, Việt Nam và Hoa Kỳ lànhững quốc gia có khả năng bổ sung cao cho nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng và là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang nước này nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực.

Như vậy, khi tham gia TPP, các hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ, cũng như thị trường của các nước thành viên khác.

Dự báo, nếu TPP được ký kết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ có khả năng tăng lên mức trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa quốc gia này trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, khi TPP được ký kết, mức thuế quan sẽ được giảm về mức 0%, nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

“Với quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ổn định như hiện nay, kể cả khi TPP chưa được ký kết Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội gia tăng xuất siêu sang Hoa Kỳ, bởi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện chỉ chiếm 0,98% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ,” ông Dương nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Stuart Schaag, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, Hoa Kỳ là một thị trường tiềm năng đối với Việt Nam, bởi đây là đất nước có nền kinh tế lớn trên thế giới và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Kể từ năm 2009 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng 61%.

Đối với đầu tư, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. TPP có thể giúp thúc đẩy đầu tư của nước này vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn như phát triển các ngành công nghệ cao, nâng cao trình độ của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Điều này tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên toàn cầu.

Cũng theo nhiều chuyên gia, TPP sẽ giúp tạo sự khác biệt cho Việt Nam với các nước đang phát triển khác đang tìm kiếm đầu tư, vì sẽ được cải thiện xếp hạng trái phiếu và dòng vốn đầu tư mới.

Việc thâm nhập thị trường TPP rộng lớn sẽ tăng ưu đãi cho các nhà đầu tư để di chuyển thiết bị điện tử, các nhà máy thiết bị, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt, quá trình đàm phán tham gia TPP đã giúp giải quyết các vấn đề còn khúc mắc giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hoa Kỳ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính...

Đối mặt với nhiều thách thức

Cơ hội thâm nhập thị trường Hoa Kỳ sẽ ngày càng rộng mở hơn sau khi TPP được ký kết, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam tham gia vào TPP sẽ gặp sức ép về mở cửa thị trường (hàng hóa, dịch vụ, mua sắm Chính phủ…).

Cùng với đó, thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội, nguy cơ bị trừng phạt thương mại, khởi kiện và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Khi gia nhập TPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải nhiều rào cản thương mại, khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, tính bảo hộ cho sản xuất trong nước của thị trường Hoa Kỳ rất cao, đặc biệt đối với một số mặt hàng như nông sản, thực phẩm.

Những rào cản thương mại, kỹ thuật của Hoa Kỳ ngày càng khắt khe và nếu thấy có dấu hiệu làm nguy hại tới sản xuất trong nước, lập tức họ sẽ bổ sung những quy định mới, điều luật mới để chống đối phó.

Ví dụ, các sản phẩm thủy sản Việt Nam khi vào thị trường Hoa Kỳ thường xuyên vấp phải việc bị kiện chống bán phá giá, nghĩa là sản phẩm được bán với giá rất rẻ.

Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chú ý về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu; tìm hiểu thêm thông tin về thị trường...

Một cản trở khác với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là thuế suất nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác chỉ bị xóa nếu như các nguyên liệu, linh kiện của sản phẩm, hàng hóa có chứng nhận xuất xứ là hàng Việt Nam.

Nói cách khác, nếu cứ tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ quốc gia khác, hàng hóa của nước ta sẽ không được hưởng mức thuế suất 0%. Vì vậy, để đón nhận cơ hội TPP, buộc các doanh nghiệp dệt may phải tìm cách nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ các nước thuộc TPP.

Để biến TPP thành cơ hội thúc đẩy phát triển thương mại với Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ; nâng cao năng suất lao động; tích cực tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu; thực thi đầy đủ các nghĩa vụ trong hiệp định, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường...

Ngoài ra, Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp với TPP; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động; và tăng cường tuyên truyền phổ biến về TPP. /.

Hiện đang có 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tham vọng của TPP là mở cửa thị trường toàn diện (cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan, trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm xử lý qua kênh song phương), đàm phám dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ theo nguyên tắc chọn bỏ, mở cửa thị trường mua sắm công, dịch vụ tài chính.

Hiện, 12 nước thành viên đã hoàn thành vòng đàm phán thứ 19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục