TPP không phải "liều thuốc tiên" cho ngành dệt may

Dù có rất nhiều ưu đãi nhưng doanh nghiệp dệt may không nên coi TPP là "liều thuốc tiên" vĩnh cửu để rồi yên tâm ngủ quên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Doanh nghiệp dệt may muốn tận dụng hiệu quả cao nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần phải hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế-nguyên phụ liệu-may-phân phối và có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu.

Dù vậy, các doanh nghiệp cũng không nên xem TPP như động lực để phát triển trong ngắn hạn mà cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) xung quanh vấn đề này.

- Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nổi lên như một tiêu điểm thu hút sự chú ý trong năm. Là một trong những ngành sẽ chịu nhiều tác động trực tiếp từ hiệp định này, xin ông cho biết ảnh hưởng từ TPP đối với lĩnh vực dệt may?

- Ông Lê Tiến Trường: Liên tiếp gần đây, nhiều cuộc hội thảo liên quan đến TPP đã được các bộ, ngành chủ trì tổ chức. Tại các hội thảo này, nhiều chuyên gia khẳng định ngành dệt may Việt Nam là ngành có sức cạnh tranh quốc tế, có tiềm năng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nói chung và từ Hiệp định TPP nói riêng. Đây cũng là lý do chính để Chính phủ và đoàn đàm phán coi dệt may là ngành ưu tiên hàng đầu trong đàm phán hiệp định này.

Theo thống kê, năm 2012, ngành dệt may đã đóng góp tỷ trọng trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với 17,2 tỷ USD. Dự kiến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt trên 20 tỷ USD, nếu kể cả xuất khẩu nguyên phụ liệu thì có thể đạt tới 21 tỷ USD và tiếp tục duy trì được tỷ trọng khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khối đàm phán TPP có hai thị trường rất quan trọng là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 11% và các nước TPP khác đang chiếm khoảng 4%. Như vậy, khối các nước TPP đang chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Riêng năm 2012, đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP. Vì vậy, có thể nói khối các nước TPP là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam, ngay cả trong hiện tại và tương lai.

- Trước những đòi hỏi từ thực tế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có sự "lột xác" để thích nghi. Theo ông, sự thay đổi cần phải bắt đầu từ khâu nào?

- Ông Lê Tiến Trường: Hiện trong ngành dệt may đang có khoảng 6.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may hiện không còn tồn tại, chỉ duy nhất Tập đoàn Dệt may với 5 công ty thành viên 100% vốn, còn lại là các thành viên công ty cổ phần. Đến hết năm 2013, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ tiến hành IPO nên kể từ năm 2014, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn không tồn tại doanh nghiệp nhà nước và đã đa dạng hóa toàn diện với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam hết sức quan tâm đến các nội dung đàm phán liên quan đến dệt may, nhất là trong quy tắc xuất xứ và hàng rào thuế quan. Đây cũng là 2 vấn đề chính mà doanh nghiệp cũng như nhà sản xuất đều lưu ý trong mỗi hiệp định thương mại tự do. Tất cả những vấn đề này đều nhằm thực hiện chiến lược xuyên suốt của ngành dệt may Việt Nam là đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô xuất khẩu, từ đó có khả năng xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn thiện và ngành dệt may có thể phát triển bền vững.

Tuy xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký kết TPP, nhưng quy mô sử dụng các loại nguyên liệu của Việt Nam mới chỉ đạt dưới 10 tỷ USD thì đây chưa phải là quy mô hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu. Bởi sản xuất nguyên liệu có suất đầu tư lớn, đòi hỏi vốn lớn, trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý cao hơn, rủi ro nhiều hơn. Cho nên muốn đẩy mạnh được khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì một trong những yếu tố tiên quyết là phải tăng được quy mô xuất khẩu.

Đánh giá về cơ hội đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

Với năm 2013, ngành dệt may dự kiến xuất siêu từ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khoảng 10 tỷ USD. Nếu quy mô này được cải thiện, năm 2015 Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD thì lúc đó giá trị doanh thu để lại tại thị trường Việt Nam khoảng 17 tỷ USD.

- Cơ hội mở ra nhưng cũng không ít thách thức đang đợi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam ở phía trước. Với cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông có khuyến nghị gì không?

- Ông Lê Tiến Trường: Khi tham gia vào TPP, doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Đầu tiên là bảng chào thuế cần được cắt giảm nhanh và mạnh mới tạo được lợi nhuận đủ lớn, bởi bản chất của cắt giảm thuế là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà sản xuất cũng như nhà mua hàng. Việc cắt giảm thuế mạnh trong giai đoạn đầu là một yếu tố kích thích quan trọng để mọi người đổ dồn về Việt Nam.

Cùng đó là quy tắc xuất xứ phải có tính khả thi cao, nếu không thì bản thân quy tắc xuất xứ và thủ tục để chứng minh quy tắc xuất xứ sẽ trở thành rào cản lớn trong việc thực thi hiệp định. Ngoài ra là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các doanh nghiệp Việt Nam.

Khi nội dung của Hiệp định đã dần dần sáng tỏ, biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích từ hiệp định tại Việt Nam thì lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như đối với ngành dệt may, Việt Nam trong 5 năm đầu tư thêm được 1,2 triệu cọc sợi thì chỉ một doanh nghiệp Trung Quốc trong vòng 3 năm cũng có thể đầu tư 1 triệu cọc sợi và riêng trong năm 2013, doanh nghiệp này đã đầu tư thêm 500.000 cọc sợi. Do lực của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cách rất xa lực của doanh nghiệp Việt Nam, nếu không cẩn thận thì việc hưởng lợi từ TPP sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Vì lẽ đó Vitas khuyến nghị từng doanh nghiệp dệt may cần có sự chuẩn bị để liên kết được với các khâu trong chuỗi cung ứng, tránh bị động khi đã ký kết mà lại không tận dụng được các điều kiện thuận lợi với các thuế quan ưu đãi khi thỏa mãn các điều kiện của TPP.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải hình thành chuỗi cung ứng chặt chẽ, có cam kết, có cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi với mục tiêu biến TPP thành cú hích quan trọng cho dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Hơn nữa, các doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ này để phát triển bền vững, tích lũy tiềm lực mọi mặt để xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự chứ không nên coi TPP là "liều thuốc tiên" vĩnh cửu và yên tâm ngủ quên trên những ưu đãi thuận lợi trước mắt.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục