TP.HCM xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp chủ lực

Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong 10 tháng qua, cả 4 ngành công nghiệp trọng điểm đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 42,2%.
TP.HCM xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp chủ lực ảnh 1Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

Kết quả này đạt được là nhờ vào những giải pháp tăng cường xúc tiến sản phẩm công nghiệp chủ lực và kích cầu tiêu dùng của nhiều sở, ngành, nhất là Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố, trong 10 tháng qua, cả 4 ngành công nghiệp trọng điểm đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng 42,2%; ngành sản xuất trang phục tăng 28,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15%.

Đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 25/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Còn 3 ngành công nghiệp truyền thống có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,6% so với cùng kỳ.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng 20% so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh như sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất xe có động cơ...

[TP.HCM: Doanh nghiệp hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trọng yếu] 

Đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ chí Minh đã từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại. Minh chứng cho điều này là trong 10 tháng, thành phố đạt các chỉ tiêu kinh tế tích cực, mở ra những tín hiệu khả quan như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Đánh giá về thị trường sản phẩm công nghiệp ở góc độ chuyên ngành, ông Nguyễn Thanh Trung Hiếu, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị & Giải pháp EV1 chỉ ra rằng nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng hiện nay cho thấy người tiêu dùng cần cung cấp sản phẩm đa tiện ích nhưng đồng bộ của các bên, từ nhà sản xuất đến đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, công nghệ và quản lý.

Đơn cử ở ngành ôtô, người tiêu dùng ngày càng quan tâm và có xu hướng muốn sử dụng xe chạy điện thay vì xe chạy bằng nhiên liệu, nhưng cơ sở hạ tầng cũng như các vấn đề về cung ứng dịch vụ hỗ trợ cần được phát triển bền vững.

Cùng quan điểm, ông Cường Nguyễn, Giám đốc Ngành hàng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cốc Cốc chia sẻ hầu hết người dùng Cốc Cốc đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và hơn 50% người dùng kỳ vọng các hãng xe ôtô sẽ sản xuất nhiều loại xe giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải môi trường hơn.

Tuy nhiên, nhiều người dùng cũng có quan ngại về một số vấn đề như giá xe sẽ tăng và hệ thống cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng tốt việc sử dụng các loại xe mới.

TP.HCM xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp chủ lực ảnh 2Khách đến mua sắm tại PNJ. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Ghi nhận thực tế hoạt động doanh nghiệp, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố đạt kết quả tăng trưởng tốt. Điển hình, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.340 tỷ đồng và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 chỉ sau 9 tháng năm 2022. Kết quả này có được là nhờ PNJ tăng cường hiệu quả sử dụng chi phí cải thiện nhờ tối ưu hóa vận hành bằng các ứng dụng công nghệ vào bán hàng, quản lý doanh nghiệp.

Trong khi đó, với doanh nghiệp hoạt động đa ngành như Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), doanh thu thuần quý 3/2022 đạt 1.176,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 39,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, BCG ghi nhận 3.311 tỷ đồng doanh thu và hơn 885 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Lãnh đạo của BCG nhận định giai đoạn thị trường tài chính, bất động sản, xăng, dầu... có nhiều biến động, thách thức khiến hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó BCG cũng ghi nhận tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Tuy vậy, ưu tiên hàng đầu của BCG giai đoạn này vẫn là tập trung toàn bộ nguồn lực quản trị rủi ro ở mức tối thiểu và củng cố nội lực công ty để có thể tăng trưởng tích cực khi tình hình thị trường khởi sắc.

Liên quan đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bám sát các mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận triển khai những hoạt động hỗ trợ 3 Chương trình phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí-tự động hóa, ngành cao su-nhựa, ngành chế biến lương thực-thực phẩm thành phố năm 2022.

Do đó, ngành công thương sẽ tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí-tự động hóa, cao su-nhựa, chế biến lương thực-thực phẩm. Đặc biệt, những hoạt động này chú trọng giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.

TP.HCM xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp chủ lực ảnh 3Trong ảnh: Dây chuyền thêu tích hợp công nghệ tiên tiến được doanh nghiệp giới thiệu tại các triển lãm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 11/2022, Sở đã đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức Triển lãm Quốc tế về máy móc, thiết bị, công nghệ và sản phẩm Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (VINAMAC EXPO 2022) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7. Triển lãm năm nay, có sự tham dự của khoảng 250 đơn vị trưng bày hơn 300 gian hàng, chủ yếu thuộc nhóm ngành hàng gồm cơ khí-tự động hóa, cao su-nhựa, chế biến lương thực-thực phẩm...

Tại VINAMAC EXPO 2022, "Ngôi nhà chung" là một điểm nhấn trong công tác đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp chủ lực bằng hoạt động trưng bày, giới thiệu đa dạng mặt hàng công nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua mô hình này, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khẳng định thương hiệu và sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh; cũng như thương mại hóa, tiếp thị, tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hơn thế nữa, để hiện thực hóa chương trình xúc tiến sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung triển khai chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Logistics cũng được đánh giá là "mạch máu" kết nối chuỗi sản xuất-lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương với thị trường thế giới, nhất là chuyên chở nguyên vật liệu đến từng nhà máy sản xuất và vận chuyển toàn bộ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hiện tại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng hành cùng doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải thưởng "Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh" và tổ chức giải thưởng "Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2022.

Cùng với đó, sở chủ trì Hội thảo quốc tế "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm trao đổi, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp về định hướng phát triển công nghiệp thành phố trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục