Dù về đích trước thời hạn 2 năm và có những thành tựu vượt bậc trong thời gian qua, thế nhưng về lâu dài, vấn đề giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là khi chuẩn nghèo được xác định trên cơ sở đa chiều.
Chuẩn nghèo liên tục tăng lên
Năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu thực hiện giảm bình quân 0,8%/năm tỷ lệ hộ nghèo và giảm bình quân 1% tỷ lệ hộ cận nghèo. Năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020 với tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5% và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.
Cũng bước sang năm 2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn nghèo theo hướng tăng lên.
Chuẩn nghèo về thu nhập của người dân thành phố nâng từ 21 triệu đồng/người/năm lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo về thu nhập nâng từ 28 triệu đồng/người/năm lên 36 triệu đồng/người/năm.
Đồng thời, thành phố giữ nguyên tiêu chí giảm nghèo đa chiều (5 chiều) với 11 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp với thực trạng đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Với chuẩn mới này, dự kiến năm 2019, danh sách hộ nghèo, cận nghèo sẽ chiếm 4,59% so với tổng số dân thành phố, tương đương 103.181 hộ (trong đó có 39.838 hộ nghèo, 63.343 hộ cận nghèo). Điều này có nghĩa phần lớn số hộ vừa vượt chuẩn nghèo giai đoạn vừa qua gần như ngay lập tức tái nghèo, cận nghèo trong giai đoạn 2019-2020.
Như vậy, về mặt số lượng, số hộ nghèo, cận nghèo sẽ tiếp tục tăng lên. Điều này có nghĩa người dân mới chỉ vượt qua chuẩn nghèo do thành phố quy định mà chưa hoàn toàn thật sự thoát nghèo, thu nhập vẫn chưa cao và ổn định.
Có ý kiến cho rằng với việc liên tục nâng cao chuẩn nghèo cũng như tiếp cận theo hướng giảm nghèo đa chiều, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn thoát nghèo-tái nghèo.
[Thành phố Hồ Chí Minh và 'cú hích' giảm nghèo bền vững: Về đích sớm]
Có nhiều hộ dân mới vừa thoát nghèo giai đoạn này lại lập tức rơi vào diện nghèo khi bước qua giai đoạn khác. Tuy nhiên, ông Trần Phi Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 11 cho rằng việc liên tục nâng chuẩn nghèo cũng như các tiêu chí thoát nghèo là điều cần thiết bởi trong bối cảnh kinh tế-xã hội phát triển không ngừng, đời sống của những người nghèo cần được nâng lên, tiệm cận với mức trung bình chung của xã hội. Điều này đặt ra cho chính quyền mỗi địa phương thách thức để nỗ lực hơn nữa, có các giải pháp thiết thực giúp những người nghèo có được cuộc sống đủ đầy hơn.
Nghèo đa chiều vẫn khó giải quyết
Cùng với giảm nghèo thu nhập, 3 năm trước, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định áp dụng giảm nghèo theo phương pháp đa chiều.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chi một nguồn lực không nhỏ để xác định ai nghèo ở lĩnh vực nào cũng như đưa ra các giải pháp giảm nghèo theo từng tiêu chí từ giáo dục, y tế, môi trường, nhà ở, tiếp cận văn hóa giải trí... chứ không chỉ căn cứ vào chuẩn nghèo thu nhập.
Tuy nhiên, xác định được chiều nghèo, đưa ra giải pháp là một chuyện nhưng về lâu dài, những vấn đề phát sinh có được giải quyết triệt để hay không vẫn chưa có câu trả lời.
Đơn cử, trong 3 năm qua có 782.700 thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho các thành viên hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, khi người dân bị bệnh nặng, chi phí khám chữa bệnh dù đã được bảo hiểm chi trả một phần nhưng vẫn là gánh nặng cho những người nghèo.
Về nhà ở, dù thành phố đã có chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà tình thương, phát triển nhà ở xã hội... nhưng cho đến nay, nhiều người dân vẫn chưa thể có một căn nhà để an cư hay vẫn còn nhiều gia đình đông người phải sinh hoạt trong những ngôi nhà chật hẹp, tạm bợ.
Thực tế, một số địa phương như quận 5, quận 6, quận 11 nơi có mật độ dân cư cao nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chiều thiếu hụt về diện tích nhà ở. Chiều giáo dục cũng gặp khó khăn khi những người lớn tuổi ngại đi học nâng cao trình độ còn người dân làm nghề truyền thống cũng không muốn học để lấy bằng nghề. Nhiều người lao động tự do khó tham gia bảo hiểm xã hội do thu nhập thấp.
Ngoài ra, quan trọng nhất trong giảm nghèo bền vững là tạo việc làm bởi có việc làm thì mới tạo nên thu nhập. Đây chính là “chìa khóa” tháo gỡ nhiều chiều nghèo khác. Tuy nhiên, việc làm cũng phải đảm bảo yếu tố ổn định.
Điểm khó khăn mấu chốt hiện nay là nhiều người nghèo vẫn chưa nhận thức đúng về việc phải đi học nghề để có được một công việc ổn định, lâu dài mà chỉ quan tâm đến cái lợi thu nhập trước mắt.
Bà Nguyễn Thị Mai Khanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 3, quận 11 cho biết những người nghèo tại địa phương này trình độ giáo dục thấp nên ý thức về nghề nghiệp của họ khá hạn chế.
[Giảm nghèo bền vững: Không cho 'con cá' mà cho 'cần câu']
Ủy ban Nhân dân phường đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho người dân nhưng số lượng người tham gia rất ít bởi họ còn bận "chạy ăn từng bữa."
Cùng chung quan điểm, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-xã hội - Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận hiện nay vẫn chưa có sự đồng bộ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa nhu cầu học nghề, kiếm việc làm của thành viên hộ nghèo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước, cũng như giới thiệu thành viên hộ nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
"Đào tạo nghề là điều kiện căn cơ để thoát nghèo bền vững, vì vậy cần chú trọng liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nghèo sau khi đào tạo nghề. Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, quan tâm đào tạo nghề phù hợp với nguyện vọng của người lao động, với doanh nghiệp mà trước hết phải đảm bảo nghề cho người trong độ tuổi lao động ở gia đình nghèo, cận nghèo mới có thể giảm nghèo một cách bền vững," bà Thi Thị Tuyết Nhung nói.
Như vậy, dù luôn về đích trước thời hạn đề ra nhưng để giảm nghèo một cách bền vững, đa chiều, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách linh hoạt, đưa ra các giải pháp căn cơ, phù hợp thực tế để người dân có thể thoát nghèo thực sự./.