​TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine đợt 5 cho người trên 65 tuổi

Với mong muốn giảm tối thiểu nguy cơ tử vong do mắc COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên tiêm vaccine cho những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.
Lấy vaccine phòng COVID-19 trước khi tiêm. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

So với số ca mắc COVID-19 đang điều trị hiện nay là hơn 35.000 trường hợp, số giường thu dung, điều trị của Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng đủ. Trong thời gian tới, mỗi ngày sẽ có 1.000 người xuất viện nếu tình hình điều trị đảm bảo như hiện nay.

Nội dung này được Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng đưa ra trong buổi cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh tối 21/7.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, thành phố có 35 bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 với hơn 59.000 giường, trong đó có 13 bệnh viện dã chiến, các bệnh viện của bộ, ngành Trung ương và các bệnh viện điều trị các bệnh khác cùng tham gia điều trị COVID-19.

Tính đến cuối ngày 21/7, đã có 4.837 trường hợp được xuất viện.

Về công tác tiêm chủng, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thành phố sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng đợt 5 với 930.000 liều vaccine trong khoảng 2-3 tuần, cần thiết sẽ kéo dài hơn nhằm đảm bảo việc giãn cách và cố gắng không để xảy một số bất cập như đợt 4. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng đợt 5 vẫn thực hiện theo Nghị quyết 21.

Tuy nhiên, với mong muốn giảm tối thiểu nguy cơ tử vong do mắc COVID-19, thành phố ưu tiên tiêm vaccine cho những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Những đối tượng này sẽ được tiêm trong bệnh viện.

Mỗi quận, huyện bố trí ít nhất 2 điểm tiêm, tùy tình hình có thể mở rộng thêm điểm tiêm. Mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, ngành y tế giao cho Trung tâm cấp cứu 115 làm đầu mối triển khai cấp cứu tại các điểm tiêm để kịp thời xử lý các phản ứng.

Về việc cách ly trường hợp F1 tại nhà, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, thành phố đã thí điểm ở nhiều quận, huyện và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã có văn bản hướng dẫn thực hiện cách ly trường hợp F1 tại nhà.

[Thêm 2.570 ca mắc COVID-19, cả ngày Việt Nam ghi nhận 5.357 ca]

Từ lúc được thông báo là trường hợp F1 đến khi thực hiện cách ly, người cách ly sẽ được chọn hình thức cách ly. Nếu muốn cách ly tại nhà sẽ đăng ký với địa phương; trạm y tế tham mưu thành lập tổ thẩm định điều kiện cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng một số quy định của Bộ Y tế hơi khó áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, ngành y tế có ý kiến rút gọn quy định, thay vì thành lập tổ thẩm định, người cách ly sẽ tự khai điều kiện cách ly của mình; tổ trưởng sẽ xác nhận điều kiện. Nếu đáp ứng đủ, địa phương ra quyết định cách ly tại nhà. Người cách ly tại nhà sẽ được giám sát bởi lực lượng địa phương như công an, dân quân, đơn vị y tế…

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết những ngày qua, thành phố không phát sinh ổ dịch mới mà đang tiến hành kiểm soát các ổ dịch cũ.

Từ 6 giờ ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, thành phố ghi nhận 5.480 trường hợp mắc, trong đó, 90% trường hợp được phát hiện tại các khu phong tỏa, cách ly và không có cơ sở khẳng định lây nhiễm chéo.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, trong 24 giờ, thành phố phát hiện 10 trường hợp mắc COVID-19 tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này cho thấy, việc áp dụng quy định “3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” đã phát huy hiệu quả. Số ca nhiễm tại khu chế xuất, khu công nghiệp có giảm mạnh so với thời điểm trước đây khi mỗi ngày phát hiện vài trăm ca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục