Ngày 21/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2023-2024.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự lễ.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, hiện có gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học.
Năm học mới này, trường chào đón 3.500 tân sinh viên.
[Phát triển các Đại học Quốc gia hội nhập ngang tầm quốc tế]
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ năm học vừa qua, tập thể nhà trường nỗ lực vượt qua khó khăn khi bước vào giai đoạn tự chủ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo, quốc tế hóa chương trình đào tạo để tăng tính hội nhập; đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người học.
Thúc đẩy công bố quốc tế trở thành niệm vụ thường xuyên, trở thành văn hóa trong nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Trường triển khai nhiều dự án phục vụ cộng đồng, phản biện, tư vấn chính sách cho các địa phương.
Năm học này, nhà trường tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu khoa học đến phục vụ cộng đồng, trong bối cảnh tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ.
Tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của nhà.
Không ngừng mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng, đến nay, nhà trường trở thành một trong hai trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; địa chỉ tin cậy của đối tác quốc tế; đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh trước những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, khoa học xã hội và nhân văn cũng cần tiếp tục đổi mới và phát triển.
Vì thế, nhà trường cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Nhà trường đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển. Trong đó, trường cần có chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đổi mới quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Trường đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm đại học số, tạo ra những giá trị mới, cách làm mới, đột phá mới về hiệu quả và chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản trị.
Nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học thế mạnh, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, cập nhập và phù hợp với xu hướng phát triển chung về khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.
Trong đào tạo, trường cần đặc biệt coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ; gắn kết mật thiết giữa đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam.
Nhà trường tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế để tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số hướng nhà trường cần tập trung thực hiện. Đó là, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu hướng phát triển; làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ xây dựng đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu về mô hình và chiến lược phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xu thế phát triển của xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và con người Việt Nam...
Sau Lễ Khai giảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà trường về công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung, nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông nói riêng.
Theo Báo cáo của Nhà trường, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của trường đã có nhiều đóng góp cho đất nước.
Dù vậy, trong công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, Truyền thông là lĩnh vực đặc thù, nhưng đến nay chưa có chính sách riêng để đầu tư phát triển nên chưa tạo thuận lợi cho trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội
Mặt khác, việc ồ ạt đào tạo ngành truyền thông của các trường dân lập hiện nay đang tạo hiện tượng “nóng ảo,” dẫn đến khả năng dư thừa về đầu ra và không đảm bảo về chất lượng đào tạo.
Cùng với kiến nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho đào tạo lĩnh vực này bằng nguồn lực cũng như chính sách, lãnh đạo Nhà trường kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục về an toàn thông tin mạng, qua đó khẳng định lại vai trò, vị thế và công việc của người làm báo, các cơ quan báo chí chuyên nghiệp.
Chia sẻ về những khó khăn của Nhà trường trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết khi tự chủ, chi phí đào tạo đều dồn vào nguồn thu học phí.
Điều này đặt ra với trường bài toán về cân bằng giữa đào tạo những ngành đào tạo nhu cầu xã hội và những ngành khoa học cơ bản phục vụ cho quá trình phát triển lâu dài của đất nước.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, trường chủ động thực hiện nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tự chủ đại học, Nhà trường kiến nghị Nhà nước tạo chính sách, cơ chế phù hợp để các trường đại học được tự chủ thực sự.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các Nghị quyết sau Đại hội XIII của Đảng đã giải quyết rất hài hòa giữa văn hóa, kinh tế, xây dựng Đảng, công tác đối ngoại; trong đó, vấn đề văn hóa, con người đặc biệt được quan tâm và nâng lên tầm cao mới, công tác báo chí được quan tâm.
Ghi nhận những ý kiến kiến nghị của trường, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng trong điều kiện hiện nay, công tác báo chí, xuất bản nói chung và hoạt động đào tạo chuyên ngành báo chí, xuất bản cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Báo chí là lĩnh vực rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính trị tư tưởng và đạo đức; là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, là diễn đàn về chính trị, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Vì thế, trong công tác đào tạo đội ngũ báo chí, truyền thông, xuất bản cần chú trọng tính tinh thông, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.
Trường cần thực hiện cơ chế phối hợp công tác đào tạo, giảng dạy để tăng cường tính thực tiễn cho sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản..., từ đó có thể đào tạo được đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu./.