Ngày 27/9, Bệnh viện An Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Triển lãm mỹ thuật “Mang ý nghĩa vào cuộc sống” với 59 tác phẩm hội họa do 36 bệnh nhân đang điều trị phục hồi chức năng, phục hồi ngôn ngữ, trí nhớ... tại Khoa Phục hồi chức năng thực hiện.
Mỗi bức tranh là một hành trình phục hồi, sự kiên trì, nỗ lực, khát vọng vượt qua bệnh tật của người bệnh.
10 năm qua, kể từ khi lớp học vẽ dành cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau đột quỵ tại Bệnh viện An Bình ra đời cũng là chừng ấy thời gian ông Lê Cao Nguyên (bệnh nhân đột quỵ) chưa bỏ một buổi học nào. Cứ thứ Sáu hàng tuần, ông lại nhờ người thân bắt xe khách từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên Thành phố Hồ Chí Minh để được đắm chìm trong những nét vẽ cùng với những người bạn cùng cảnh ngộ khác.
“Nhờ biết đến lớp vẽ tranh mà anh trai của chúng tôi sống lạc quan, vui vẻ hơn sau khi bị đột quỵ, các cử động tay chân nhờ thế cũng linh hoạt hơn,” bà Lê Thị Phượng, em gái ông Nguyên chia sẻ.
Tại buổi triển lãm mỹ thuật, 4 tác phẩm của ông Nguyên được lựa chọn để trưng bày. Dù không thể diễn đạt được bằng lời nói nhưng khi ngắm nhìn những bức tranh của mình được trưng bày tại triển lãm, nụ cười của ông Nguyên như tươi hơn mọi ngày.
Còn chị Đoàn Nguyên Thùy, ngụ ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, lại không kìm được nước mắt khi ngắm nhìn 3 bức tranh do chồng của mình là anh Phan Minh Đức vẽ. Tham gia lớp vẽ tranh được 3 năm, anh Đức qua đời nhưng những bức tranh của anh vẫn được Bệnh viện An Bình giữ gìn và trưng bày tại triển lãm.
“Nếu chồng tôi ở bên kia biết được chắc hẳn anh rất vui. Lúc còn sống anh ấy luôn mong chờ ngày được đến với lớp vẽ. Bệnh viện còn rất chu đáo tặng tôi một bức ảnh anh Đức đang say sưa vẽ tranh khiến tôi như lại nhìn thấy chồng mình một lần nữa. Tôi biết ơn rất nhiều,” chị Thùy bày tỏ.
[Bác sỹ Lê Vũ Huỳnh - Tận tâm vì những bệnh nhân đột quỵ]
Tại Triển lãm, 59 bức tranh trưng bày được lựa chọn từ hàng trăm bức vẽ của các bệnh nhân điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện An Bình trong 10 năm qua.
Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình, cho biết năm 2013, Khoa Phục hồi chức năng mở lớp Hội họa-giao tiếp dành riêng cho những bệnh nhân đang điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện. Học viên của lớp vẽ là những bệnh nhân sau đột quỵ, những bệnh nhân gặp vấn đề về giao tiếp, suy giảm trí nhớ…
Ban đầu chỉ một vài bệnh nhân đồng ý tham gia lớp học bởi không ai nghĩ rằng những bệnh nhân tai biến vốn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, cử động lại có thể cầm cọ vẽ tranh. Tuy nhiên, lâu dần, nhiều người bệnh cùng tham gia và ngày càng gắn bó với lớp học.
Sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, tháng 9/2022, lớp học được khởi động trở lại và ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân hơn. Thành quả của các bệnh nhân được Bệnh viện An Bình lưu giữ và tổ chức thành triển lãm nhằm ghi nhận sự kiên trì, nỗ lực cũng như động viên, khích lệ tinh thần cho bệnh nhân trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Tiến sỹ Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện An Bình, nhìn nhận việc tham gia lớp vẽ không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện được khả năng vận động, giao tiếp, tư duy mà còn giúp họ có thêm niềm vui, sự tự tin và hy vọng vào cuộc sống. Từ lớp vẽ đặc biệt này, nhiều bệnh nhân đã hồi phục một cách ngoạn mục, tinh thần được vực dậy rõ rệt và có người đã khám phá ra khả năng hội họa tiềm ẩn của mình.
“Những bức tranh của triển lãm chứa đựng những câu chuyện đầy cảm xúc. Mỗi bức tranh là một phần của hành trình phục hồi; mỗi nét vẽ, đường cọ, từng mảng màu chính là sự kiên trì, nỗ lực, khát vọng được sống và sống có ý nghĩa của các bệnh nhân,” Tiến sỹ Lê Khánh Điền nhận xét.
Sau thành công của lớp Hội họa-giao tiếp, Bệnh viện An Bình dự kiến sẽ mở thêm các lớp về âm nhạc trị liệu, cờ vua, cờ tướng, thư pháp dành cho những bệnh nhân phục hồi chức năng sau đột quỵ, sa sút trí tuệ, tổn thương não…./.