Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang ngày thứ 20 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, các ca bệnh vẫn tiếp tục tăng lên.
Vì vậy, Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị 16 trên, Chỉ thị 12 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, sau ngày 1/8, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 1 đến 2 tuần.
Đây là thông tin được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đưa ra tại buổi họp cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 28/7.
Áp lực của ngành Y tế ngày càng lớn
Đánh giá sau 2 ngày Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội, giới hạn di chuyển sau 18 giờ, ông Phan Văn Mãi cho rằng, việc đường phố vắng vẻ cho thấy người dân đồng tình, ủng hộ, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện cho ngành Y tế ngăn chặn nguồn lây. Tuy nhiên, lượng người di chuyển ban ngày (từ 6-18 giờ) vẫn còn đông, người dân vẫn tiếp xúc nhiều.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý các vi phạm. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuống kiểm tra tận cơ sở để chấn chỉnh, uốn nắn những nơi làm chưa nghiêm.
Về áp lực trước số ca nhiễm tăng hàng ngàn ca mỗi ngày, theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, hiện áp lực cho ngành Y tế rất lớn, nhiều thời điểm bệnh viện gặp tình trạng quá tải. Để khắc phục những khó khăn trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, sắp xếp lại các tầng điều trị cho khoa học hơn nhằm giảm áp lực cho ngành Y; trong đó tiếp tục tăng năng lực các bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế Thành phố hiện nay là nâng cao công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả áp dụng phương án cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (các F0, F1) không triệu chứng tại nhà.
Các số liệu thống kê và ý kiến chuyên gia chỉ rõ khoảng 70-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Trong đợt dịch vừa qua, số bệnh nhân COVID-19 tăng cao khiến công tác cách ly, điều trị của thành phố dần quá sức.
[TP.HCM: Tập trung nhân lực điều trị dịch COVID-19 để giảm ca tử vong]
Với số ca mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện trên 70.000 người, ông Phan Văn Mãi nhận định, việc chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng và bệnh lý nền là cần thiết. Bên cạnh đó, việc cách ly bệnh nhân COVID-19 tại nhà, kết hợp với các phương án giám sát, tư vấn phù hợp, tạo cơ chế phản ứng nhanh sẽ giúp giảm tải áp lực lên cơ sở thu dung.
Về công tác điều trị, các bệnh viện tuyến quận đã có chủ trương áp dụng mô hình chia đôi bệnh viện, chuyển đổi một phần sang điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm “chia lửa” cho các cơ sở điều trị.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị tùy thuộc vào năng lực và cơ sở vật chất. Các bệnh viện dã chiến được tiếp tục xây dựng, chuyển đổi công năng, dự kiến có thêm 1-2 bệnh viện trong tuần tới.
Nhằm giảm ca tử vong, Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang tiếp tục hoàn thiện để nâng công suất tối đa là 1.000 giường; đồng thời huy động các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân uy tín tham gia điều trị, hồi sức các bệnh nhân rất nặng.
Tổ chức tiêm vaccine sau 18 giờ hằng ngày
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài tác động trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc, công tác an sinh xã hội được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã có kế hoạch và đang triển khai đáp ứng tương đối nhu cầu của người dân. Cụ thể, Thành phố sẽ rà soát nhu cầu người dân ở từng phường, xã, thị trấn, khu phố về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ bổ sung thêm nguồn hàng, cách thức cung ứng cho người dân, nhất là người trong khu phong tỏa như đi chợ mua một lần cho nhiều ngày, đi chợ thay... đồng thời, rà soát số lượng hộ nghèo, hộ khó khăn, không đăng ký tạm trú để có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Về tiêm vaccine COVID-19, theo ông Phan Văn Mãi, với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ việc tiêm chủng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine cho người dân sau 18 giờ và đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vaccine. Theo đó, mỗi phường sẽ tổ chức 2 điểm tiêm cho người dân, trường hợp những người lớn tuổi sẽ được tiêm tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ có quy định về đặc điểm nhận diện của người đi tiêm và lực lượng tham gia tiêm vaccine để các lực lượng trực chốt có thể kiểm soát.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến 16 giờ ngày 28/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine cho 300.000 người. Tốc độ tiêm đã dần nâng lên, ngày 28/7 đã tiêm được 70.000 người. Với tốc độ này, việc tiêm chủng dự kiến hoàn thành trong 2-3 tuần./.