TP.HCM triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe để kịp thời lấy mẫu

Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe để lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai sử dụng công cụ công nghệ thông tin (robot) thông qua tổng đài tự động gọi điện cho người dân hỏi các triệu chứng như ho, sốt… để lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Đây là yêu cầu mới nhất của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo một số bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung, tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; công tác xét nghiệm COVID-19 vào chiều 2/6, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe

Báo cáo trực tuyến tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ ngày 26/5 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 227 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Chùm ca bệnh liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng có số ca mắc lớn nhất (219 ca, trong đó 40 ca hội viên, 174 trường hợp F1, 5 trường hợp F2).

Nhóm truyền giáo Phục Hưng có 40 thành viên mắc COVID-19 (chiếm 70% tổng số hội viên) và đã lây lan thành hơn 200 ca bệnh, qua 3 chu kỳ lây nhiễm. Trung bình 1 người lây cho 5 người khác.

Dự báo con số mắc trong chuỗi lây nhiễm này có thể lên đến 500 người bởi số lượng F1 liên quan đang được cách ly tập trung rất lớn, nhiều trường hợp F2 đã dương tính. Hiện 20/22 quận, huyện trên địa bàn Thành phố có ca bệnh, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ.

Các quận có ca mắc thuộc nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của thành phố, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

[Ghi nhận 138 ca mắc mới, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 31 ca]

Thành phố Hồ Chí Minh huy động lực lượng toàn ngành Y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Ngành y tế đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Những ngày qua, trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm/ngày (10.000 mẫu gộp/ngày); chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường các biện pháp dự phòng, đảm bảo an toàn tối đa phòng, chống dịch trong cơ sở khám chữa bệnh theo Bộ Tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhận định tình hình dịch bệnh của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tất cả đối tượng liên quan đến chuỗi lây Nhóm truyền giáo Phục Hưng đều được phát hiện nhanh, xác định được nguồn lây nhiễm (kể cả ca mắc tại Long An).

Bộ Y tế đánh giá rủi ro tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn do đây là đô thị lớn, các mối tiếp xúc rộng, đặc biệt giữa những hoạt động tôn giáo, một số người liên quan đến các khu công nghiệp…

Đại diện Bộ Y tế cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh phải tầm soát đô thị trên diện rộng nhưng không thể lấy xét nghiệm cho tất cả mọi người, do đó, chỉ nên tầm soát những khu vực có nguy cơ.

Đặc biệt các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo, chuyên gia lưu ý cùng với việc truy vết những ca liên quan đến ổ dịch đã phát hiện, cần tiếp tục tăng cường kêu gọi người dân có triệu chứng ho, sốt… báo cho các lực lượng y tế; chỉ đạo các cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám…) tăng hoạt động tầm soát tập trung.

Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh triển khai sử dụng công cụ công nghệ thông tin (robot) thông qua tổng đài tự động gọi điện cho người dân hỏi về các triệu chứng như ho, sốt… để các lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Ban hành quy trình xét nghiệm mới để cách ly đối với người nhập cảnh

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Tổ trưởng Tổ Tư vấn công tác xét nghiệm và chẩn đoán SARS-CoV-2, Bộ Y tế cho biết về việc xây dựng dự thảo hướng dẫn xét nghiệm, cách ly đối với người nhập cảnh.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu cho biết, một số chuyên gia cho rằng, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ cần xét nghiệm Realtime-PCR, cách ly y tế 14 ngày (cách ly tập trung 7 ngày sau đó được về cách ly tại nhà 7 ngày).

Việt Nam nên thành lập hội đồng xem xét, công nhận những loại vaccine có hiệu lực trên thế giới, bao gồm cả những vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép và những loại vaccine chưa được WHO công nhận nhưng đã được sử dụng, chứng minh hiệu quả trong thực tiễn.

Quan điểm của một số chuyên gia khác đề nghị bổ sung thêm xét nghiệm kháng thể cùng với xét nghiệm Realtim-PCR để đảm bảo chứng minh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 của người nhập cảnh đạt hiệu quả và không nhiễm SARS-CoV-2, rồi sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày sau đó được về cách ly tại nhà 7 ngày.

Thảo luận về vấn đề này, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại để ban hành quy trình xét nghiệm mới để cách ly đối với người nhập cảnh. Bằng các công cụ, phương thức xét nghiệm kết hợp xác định được người nhập cảnh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã nhiễm bệnh, cơ thể đã có miễn dịch, xét nghiệm không phát hiện virus SARS-CoV-2, được rút ngắn thời gian cách ly ở các khu cách ly tập trung.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng quy trình có thể rút ngắn thời gian cách ly xuống còn khoảng 1 tuần đối với những trường hợp nêu trên.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thí điểm việc hướng dẫn nhân dân tự lấy mẫu xét nghiệm, sau đó đề nghị nhân rộng, tiến tới phổ biến cho mọi người dân, qua đó, sẵn sàng phòng trường hợp nhiều nơi cùng bị lây nhiễm vào các khu công nghiệp, cần số lượng lấy mẫu lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Về vaccine, các chuyên gia phân tích, ngay từ khi xuất hiện dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các lực lượng nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 ở trong nước; đồng thời, tiếp cận, đàm phán mua vaccine ngay từ tháng 5/2020.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phải có vaccine “càng sớm càng tốt," tốt nhất là trước tháng 10/2021.

Bộ Y tế tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi. Từ nay đến tháng 10/2021, nếu có vướng mắc không tháo gỡ được, Bộ Y tế cần trình ngay lên Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phải có kế hoạch linh hoạt, điều tiết nguồn vaccine (mặc dù hiện nay còn phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà cung cấp); tuy nhiên, tuyệt đối tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 vaccine lại về cấp tập.

Liên quan đến hệ thống công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ nghiên cứu các phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới đáp ứng nhu cầu xét nghiệm sàng lọc bởi việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay rất vất vả và tốn kém./.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp của Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục