TP.HCM: Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 xuyên Tết

Để ứng phó với nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát sau Tết Nguyên đán, ngành y tế TP.HCM tiếp tục triển khai và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ.
Vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình biến chủng XBB xâm nhập và có nguy cơ gia tăng sau Tết Nguyên đán, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ; đồng thời kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả giải trình tự gene của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và Viện Pasteur Thành phố xác định, trên địa bàn đã xuất hiện biến thể XBB của chủng Omicron.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận biến thể XBB là một loại biến thể phụ do sự bắt chéo của 2 biến thể cũ. Do sự lai tạo này nên protein gai (hay còn gọi là protein S - loại protein mà virus này sử dụng để phá hủy các tế bào) của nó có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch.

Những người có miễn dịch cũ sẽ không được bảo vệ đầy đủ như trước. Tuy nhiên, do thay đổi protein gai nên sự xâm nhập tế bào của virus lại kém hơn, do đó sự lây lan ít hơn.

Trước lo ngại về sự xâm nhập của biến thể phụ XBB.1.5 - biến thể phụ đang khiến số ca mắc COVID-19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng cho rằng với sự giao thương, đi lại như hiện nay, biến thể này có thể sẽ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới.

[Đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh COVID-19, không buông trôi, thả lỏng]

Về mức độ nguy hiểm, chuyên gia này nhìn nhận biến thể phụ XBB.1.5 có sự thay đổi so với XBB thông thường bởi nó có đột biến ở vị trí F468P nên protein S của nó dễ xâm nhập vào tế bào, vì thế đặc tính của XBB.1.5 có mức lây lan cao hơn so với XBB thông thường.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi sự xuất hiện của các biến thể của chủng Omicron khó vượt qua được hàng rào bảo vệ vật lý như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên. Do đó, để phòng ngừa, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh đã được ngành Y tế khuyến cáo.

Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. “Vaccine sẽ tạo ra kháng thể giúp chúng ta chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào. Ngoài ra, vaccine tạo nên trí nhớ miễn dịch, có thể chúng ta vẫn bị nhiễm nhưng giảm bệnh nặng, giảm nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong,” Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Để ứng phó với nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ. Trong đó, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giám sát ở các cửa khẩu với các vùng quốc gia, lãnh thổ đang có dịch COVID-19; tăng cường truyền thông ở các cửa khẩu để hành khách tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Việt Nam.

Còn trong cộng đồng, tất cả hệ thống giám sát dịch vẫn được duy trì gồm giám sát các ca bệnh hô hấp, hệ thống giám sát biến chủng mới… để có phương án ứng phó kịp thời khi có dấu hiệu cảnh báo dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2/2023, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiều điểm tiêm trên khắp địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng như các bệnh viện sẽ được triển khai xuyên Tết Nguyên đán.

Danh sách các điểm tiêm được cập nhật mỗi ngày tại trên website https://hcdc.vn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục