TP.HCM: Trẻ em chiếm 0,1% số ca mắc COVID-19 tử vong

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong số 14.800 ca trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 13 ca tử vong, chiếm 0,1% trong tổng số các ca tử vong.
(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 8/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 14.800 trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em có độ tuổi từ 16 tuổi trở xuống.

Trong đó, có 13 trường hợp tử vong, chiếm 0,1% trong tổng số các ca tử vong, chủ yếu là các bé có bệnh lý nền kèm theo.

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, hiện ngành Y tế Thành phố đang điều trị cho hơn 2.800 trẻ em mắc COVID-19 và đã có 12.000 trường hợp được điều trị khỏi bệnh, chiếm 87% trong tổng số F0.

Ở đối tượng trẻ em mắc COVID-19, tình trạng chuyển nặng xảy ra ít hơn ở người lớn, do sức đề kháng tốt hơn. Tuy nhiên, việc điều trị cũng có những khó khăn nhất định như trẻ em phải có người lớn chăm sóc đi theo, trong đó có cả những người lớn mắc COVID-19 và có bệnh lý nền.

[Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các trường hợp 'bom hàng' đi chợ hộ]

Việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng khó khăn hơn, vì nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ trong suốt thời gian làm việc.

Theo các bác sỹ, trẻ em mắc COVID-19 đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng, tuy nhiên đối với các trẻ có yếu tố nguy cơ cao như thừa cân béo phì hoặc bệnh lý nền nặng thì thường diễn tiến nhanh với suy hô hấp do tổn thương phổi nặng.

Việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, hụt hơi, thở nhanh, tụt SpO2… đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ hô hấp kịp thời.

Bên cạnh đó, điều trị nhanh chóng bằng kháng viêm, kháng đông, kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế sẽ góp phần nhanh chóng giảm tổn thương các cơ quan, giảm chuyển độ nặng và tử vong ở trẻ.

Tại buổi họp báo, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết thời gian qua, Thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B và đã chuyển về cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hiện đã có hơn 83.000 F0 được nhận các túi thuốc này.

Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế phân bổ 50.000 túi thuốc C (có thuốc kháng virus SARS-CoV-2), đã chuyển cho các địa phương 16.000 túi và hiện có khoảng 7.900 F0 nhận được túi thuốc C.

Để chủ động dự phòng trong trường hợp dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố để mua thêm 200.000 túi thuốc A và B, trong đó chia làm hai đợt, đợt 1 mua 100.000 túi, còn lại tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ mua tiếp.

Liên quan đến chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý nền, đại diện Sở Y tế Thành phố cho biết do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A nên chi phí sẽ được Nhà nước chi trả, bao gồm khám chữa bệnh, tiền thuốc, tiền giường…

Khi bệnh nhân mắc COVID-19 kèm bệnh lý nền, việc chi trả điều trị bệnh lý nền là của bảo hiểm y tế (trong trường hợp bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế, điều trị đúng tuyến).

Về tình hình cung cấp ôxy cho bệnh nhân COVID-19, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện đã đảm bảo ôxy cho khoảng 11.500 giường bệnh trên tổng số 15.000 giường theo yêu cầu của Sở Y tế.

Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Y tế bảo đảm 3.500 giường bệnh có trang bị ôxy.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng lắp đặt 114 thùng ôxy lỏng, cung cấp 9.500 chai ôxy cho các cơ sở điều trị./. 

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 18h ngày 8/9

Thành phố Hồ Chí Minh:
- Số ca nhiễm: 273.674
- Số ca tử vong: 11.206
- Số tiêm chủng: 6.884.324

Trong nước:
- Số ca nhiễm: 563.676
- Số ca tử vong: 14.135, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 11.206, Hà Nội 47.
- Số ca khỏi bệnh: 325.647
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

Thế giới:
- Số ca nhiễm: 222.903.649
- Số ca tử vong: 4.603.035
- Số ca hồi phục: 199.461.542

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục