TP.HCM: Tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn đã khiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
TP.HCM: Tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao ảnh 1Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn đã khiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 6/2020, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 2,35 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,52% so với cuối năm 2019. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng tới 7,51%.

Thống kê cũng cho thấy, một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm. Đơn cử như tín dụng ngành vận tải kho bãi giảm 6,1%; thông tin truyền thông giảm 11%; cung cấp nước, khai khoáng giảm 15,5%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1%...

Hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm phản ánh đúng xu hướng thị trường hiện nay. Nhiều hoạt động kinh tế và các ngành, lĩnh vực bị suy giảm sản xuất cũng như nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa vì ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, có các ngân hàng.

Ngoài việc giảm và tăng trưởng chậm các hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng còn phát sinh tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Tính đến 30/4/2020, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn đã chiếm khoảng 2,08% trong tổng dư nợ trên địa bàn.

Cùng với đó, các ngân hàng còn phải đối mặt với nguy cơ phát sinh những khó khăn khác liên quan đến quá trình nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh… do tập trung nguồn lực và chia sẻ khó khăn để cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.

Tính đến cuối tháng 5/2020, trên địa bàn thành phố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện hỗ trợ cho 223.974 khách hàng, với số tiền 292.067 tỷ đồng thông qua hình thức cơ cấu lại nợ, giảm lãi hoặc cho vay mới. Một số tổ chức tín dụng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

[Tín dụng bị hạn chế: Khơi thông vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp]

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, thực tế qua công tác giám sát, vấn đề nổi cộm vẫn là tình trạng nợ xấu cao ở khối chi nhánh ngân hàng 0 đồng và một số chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhiều chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

Mặc dù các chi nhánh đang triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2020.

Thực tế không chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao đang là bài toán chung của ngành ngân hàng hiện nay.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến giữa tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 2,13%. So với cùng kỳ 2019, kết quả này chỉ đạt chưa tới 50% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,4%).

Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng đó là phù hợp.

Hiện nay, thanh khoản của ngành ngân hàng khá dồi dào. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và đáp ứng được các điều kiện tín dụng, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, ngành ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay để đẩy tín dụng tăng. 

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, theo kế hoạch, quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu sẽ bám sát mục tiêu đưa nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3% vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tiến trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi, giám sát kỹ vấn đề này để hạn chế nợ xấu mới phát sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục