TP.HCM tìm lời giải "tại sao có tiền mà không chi được" trong năm 2023

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh các sở, ngành, địa phương phải có lời giải ngay từ bây giờ để đầu năm 2023 việc chi đầu tư công được thực hiện giải ngân sớm hơn, tránh tình trạng như năm 2022.
TP.HCM tìm lời giải "tại sao có tiền mà không chi được" trong năm 2023 ảnh 1Lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHồ Chí Minh trao tặng bằng khen cho đại diện doanh nghiệp thực hiện tốt công tác nộp ngân sách năm 2022. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Chiều tối 28/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị báo cáo nhanh tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn năm 2022.

Hội nghị lần này được tổ chức sớm hơn mọi năm trong bối cảnh thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả rất khả quan.

Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 28/12, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% dự toán và tăng 23,6% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nội địa đạt 330.115 tỷ đồng, đạt 122,23% dự toán và tăng 25,13% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô là 28.227 tỷ đồng, đạt 268,83% dự toán và tăng 81,37% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 141.434 tỷ đồng, đạt 121,4% dự toán.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương chỉ đạt 72,63% dự toán, đạt gần 72.393 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản thanh toán khối lượng từ nguồn vốn đầu tư của các năm trước chuyển sang tổng chi ngân sách địa phương mới đạt 62,64% dự toán được giao.

[Năm 2023, TP Hồ Chí Minh dự toán thu ngân sách gần 470.000 tỷ đồng]

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao việc điều hành, chỉ đạo và nộp ngân sách của các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022.

Theo ông Phan Văn Mãi, mặc dù năm nay thu ngân sách tăng cao so với cùng kỳ, nhưng chi ngân sách mới đạt gần 73% dự toán, đặc biệt chi cho đầu tư công đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến ngày 28/12, chi cho đầu tư công trên địa bàn thành phố mới đạt 54% dự toán.

Hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư công như giải phóng mặt bằng, các công trình giao thông lớn… vẫn tiếp tục thực hiện tạm ứng nhà thầu và các nội dung chi khác. Dự kiến chi đầu tư công sẽ đạt 86% khi kết thúc niên độ vào cuối tháng 1/2023 và chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu 95% như được giao.

Với bức tranh thu chi ngân sách thành phố trong năm 2022, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đang có sự mất cân đối trong nhiệm vụ thu chi ngân sách khi thu khả quan, nhưng chi khó khăn hơn.

“Không có tiền đã khổ, tại sao có tiền mà không chi được?,” ông Phan Văn Mãi dẫn lại câu hỏi của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và nhấn mạnh các sở, ngành, địa phương phải có lời giải ngay từ bây giờ để đầu năm 2023 việc chi đầu tư công được thực hiện giải ngân sớm hơn, tránh tình trạng như năm 2022. Bởi đây là lĩnh vực then chốt có thể tác động tích cực lên nền kinh tế và nhiều ngành nghề khác.

TP.HCM tìm lời giải "tại sao có tiền mà không chi được" trong năm 2023 ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong năm 2023, Trung ương, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố là 469.375 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 26% trong tổng dự toán thu cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 được dự báo còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc triển khai sớm các giải pháp chỉ đạo, điều hành trong thu chi ngân sách có vai trò rất quan trọng.

Để thực hiện hiệu quả việc thu chi ngân sách năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố phải tập trung, nhận diện khó khăn và cụ thể hóa, triển khai kế hoạch của mỗi ngành, đơn vị ngay từ đầu năm. Đồng thời, theo sát, nắm bắt tình hình, triển khai nhiệm vụ và thường xuyên cập nhật tình hình, tránh bị động. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả chủ đề mỗi năm, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề đầu tư công, trong năm 2023, tổng vốn đầu tư công Trung ương giao cho Thành phố Hồ Chí Minh là trên 72.000 tỷ đồng. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là nguồn kinh phí rất lớn nên các đơn vị thành phố cần tập trung giải ngân, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tránh bị động như năm 2022.

“Ngay từ đầu năm, chúng ta phải hoàn thành các thủ tục dự án để tiến hành giải ngân. Nếu những dự án, công trình không đủ điều kiện phải được điều chuyển sớm cho những công trình, dự án đủ điều kiện tiếp nhận. Điều này không chỉ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng thành phố mà còn có tác động lan tỏa, dẫn dắt đầu tư ngoài ngân sách,” ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ngành tài chính thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố năm 2003. Huy động, khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực tài chính trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố; tăng cường các biện pháp quản lý và nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục