Chiều 23/7, tại hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa.
Mục tiêu của thành phố là kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, qua 15 ngày triển khai Chỉ thị 16, thành phố đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân và đã phát hiện nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.
Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường tổng thể các giải pháp.
Cụ thể, thành phố sẽ tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
Ngành ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
Thành phố sẽ siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Các cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan, chỉ ra đường trong trường hợp có việc cấp thiết.
[Quân đội triển khai khử khuẩn, tiêu độc toàn Thành phố Hồ Chí Minh]
Đối với công tác xét nghiệm, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, kịp thời xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ. Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức 630 điểm tiêm chủng, dự kiến mỗi ngày tiêm cho 120 người/1 điểm tiêm.
Đáng chú ý, thành phố sẽ siết chặt công tác quản lý các khu cách ly, khu phong tỏa, tiên quyết không để xảy ra lây nhiễm chéo, hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới, gỡ phong tỏa từng phần.
Thành phố yêu cầu quận, huyện kiểm soát chặt chẽ khu phong tỏa, thực hiện quyết liệt với phương châm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người."
Về công tác điều trị, thành phố thực hiện phân tầng điều trị theo hệ thống 5 tầng, trong đó tăng cường điều trị về quản lý, theo dõi tại nhà, kiểm soát chặt chẽ tại nhà đối với F0, F1 theo quy định của ngành y tế với mục tiêu không để lây nhiễm tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người nghèo, người yếu thế; tiếp tục đẩy mạnh giải pháp sản xuất an toàn; tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng chông dịch bệnh. Đồng thời, thành phố thiết lập điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời gần các chợ đầu mối nhằm điều tiết, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng của Thành phố từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp; trong đó từ ngày 9/7 đến 6 giờ ngày 23/7 có 40.255 ca phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố.
Như vậy, từ ngày 9/7 (ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16) đến nay, trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện 2.780 ca mắc COVID-19. Các ca mắc hiện hay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
Hiện nay, thành phố đang điều trị 36.569 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong (cộng dồn từ ngày 1/1/2021). Trong ngày 22/7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Về tổ chức xét nghiệm, điều trị, tính từ ngày 9/7 đến nay, Thành phố đã thực hiện 1.619.292 test xét nghiệm. Thành phố có 12 khu cách ly tập trung với sức chứa 8.680 người, đang cách ly 4.121 trường hợp, năng lực còn lại là 4.559 chỗ.
Thành phố cũng đã triển khai tiêm được 991.872 liều vaccine, trong đó 943.251 người tiêm mũi 1 và 48.657 người mũi 2.
Thành phố đã tiếp tục khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần từ ngày 22/7.
Ngoài ra, để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ,” “1 cung đường-2 địa điểm." Hiện có 1.282 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động.
Thành phố cũng đã chi hơn 404 tỷ đồng hỗ trợ cho 269.631 người không có giao kết hợp đồng lao động, chi hỗ trợ gần 53 tỷ đồng đối với 26.332/46.060 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chi hơn 168 tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ gần hơn 25 tỷ đồng cho hộ kinh doanh phải dừng hoạt động, thương nhân tại các chợ truyền thống.
Trong khi đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Thành phố đã tổ chức 2.833 điểm bán, phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, thành phố Thủ Đức đồng thời tổ chức được 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động.
Về công tác xử phạt vi phạm khi thực hiện Chỉ thị 16, từ ngày 9/7 đến nay, công an thành phố đã tổ chức 12 chốt, trạm, lập biên bản xử phạt 4.911 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tổng số tiền hơn 10,4 tỷ đồng.
Riêng từ ngày 9/7 đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã xử phạt 3.991 vụ với tổng số tiền 8 tỷ đồng./.