TPHCM thuộc nhóm địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước

Số vốn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh giao bổ sung là 68.490,566 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mức vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) chạy thử nghiệm trên toàn tuyến. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong 9 tháng năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân được 20.523 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30% tổng số vốn đã giao.

So với cùng kỳ năm 2022, giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 9 tháng năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng gấp 2 lần.

Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong 3 quý đầu năm 2023.

Trong quý 4/2023, thành phố đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt dự án để đủ điều kiện tiếp tục bố trí bổ sung vốn và giải ngân. 

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 29/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tổng số vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 70.518,116 tỷ đồng.

Hiện nay, số vốn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh giao bổ sung là 68.490,566 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mức vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố còn khiêm tốn do tổng số vốn đầu tư công năm 2023 được giao là rất lớn (gấp 2 lần kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công của cả nước, khoảng 711.000 tỷ đồng), nhưng về giá trị tuyệt đối, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong 9 tháng năm 2023.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong quý 4/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, nhằm đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ít nhất là 95% kế hoạch vốn năm 2023, thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm; trong đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là nhiệm vụ then chốt trong các tháng cuối năm.

Thành phố sẽ tập trung chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng đối với các dự án đã hoàn thiện pháp lý bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng cho thi công; đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện bồi thường của các dự án còn lại.

Ngoài ra, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố vừa qua, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương đầu tư của 8 dự án nhóm A, 79 dự án nhóm B.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua chủ trương đầu tư của 217 dự án nhóm C.

[Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng vốn đầu tư công cho 99 dự án]

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành chuyên môn và chủ đầu tư cần tích cực đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí bổ sung vốn và giải ngân trong năm 2023.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh thông qua vai trò của 3 Tổ công tác về thúc đẩy giải ngân đầu tư công của thành phố và việc tổ chức các hội nghị giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư, các cơ quan chủ quản và các địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác giải ngân vốn.

Công nhân thi công tại dự án bờ kè kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngoài ra, thành phố tập trung thực hiện điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công năm 2023, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án, các chủ đầu tư trong các tháng cuối năm.

Trong tháng 9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định điều hòa vốn nội bộ của 24 chủ đầu tư với tổng số vốn điều hòa là 1.077 tỷ đồng.

Việc điều hòa giúp chuyển vốn từ dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có tiến độ giải ngân cao.

Với các giải pháp trên, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm sẽ hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục