Tại kỳ họp thứ 11 khóa X diễn ra sáng 19/9, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) với 5 dự án cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023-2030.
Đây là các dự án thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng vốn đầu tư của 5 dự án BOT này là hơn 40.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) tại thành phố Thủ Đức dài 5,9km, mặt cắt ngang rộng 53-60m, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An, trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân dài 9,6km, mặt cắt ngang rộng 52-60m, tổng mức đầu tư 12.876 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22, từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3, trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn dài 9,1km, mặt cắt ngang rộng 60m, tổng mức đầu tư 7.173 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp đường trục Bắc-Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành tại quận 7 và huyện Nhà Bè dài 8km, mặt cắt ngang rộng 60m, tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh, tại quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh dài 3,2km, mặt cắt ngang rộng 30-40m, tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng.
[TP Hồ Chí Minh ưu tiên triển khai 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù]
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện các dự án trên đảm bảo đúng kế hoạch bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 theo quy định.
Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục đánh giá nhu cầu, tính cấp thiết đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT và khả năng cân đối nguồn vốn để định kỳ 6 tháng tham mưu trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, ban hành danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dự án áp dụng loại hợp đồng BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện nguồn ngân sách thành phố còn hạn chế (ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu đầu tư ngành giao thông). Hiện nay, các tuyến quốc lộ đóng vai trò trục hướng tâm và là các cửa ngõ chính ra vào thành phố nhưng chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng theo quy mô quy hoạch.
Với hiện trạng, quy mô mặt cắt ngang nhỏ hẹp, chỉ 2-4 làn ôtô, trong khi lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến (Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50) rất lớn, luôn trong tình trạng quá tải gây ùn ứ kéo dài. Điều này không đáp ứng được nhu cầu vận tải, thường xuyên ùn tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và kết nối vùng.
Thời gian qua, thành phố đã triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác 5 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng gồm cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương-An Lạc); xây dựng cầu Phú Mỹ; mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn); đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu./.