Ngày 19/9, tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua 107 nghị quyết về những vấn đề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, trong đó có 9 nghị quyết cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân Thành phố.
Theo đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết quyết định việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm Thành phố, đưa Thành phố trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Sở An toàn thực phẩm, nhằm góp phần ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển của Thành phố.
Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố đã quyết nghị thông qua Nghị quyết quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao và văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
[Triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM]
Trong đó, dự án trong lĩnh vực y tế có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên; dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục từ 5 tỷ đồng trở lên; dự án đầu tư cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất từ 20 tỷ đồng trở lên; dự án đầu tư xây dựng trường lớp từ 100 tỷ đồng trở lên; dự án các thiết chế thể thao và văn hóa do Thành phố quản lý từ 45 tỷ đồng trở lên; các thiết chế thể thao và văn hóa do quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn quản lý có tổng mức đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên.
Trên cơ sở quy định của Nghị quyết 98, Quốc hội giao cho, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông qua quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500ha để thực hiện dự án trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố và theo nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của các huyện/quận/thành phố cũng như của tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án phát triển trên địa bàn Thành phố; Nghị quyết quy định bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức; cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn…
Cũng tại Kỳ họp, Hội đồng Nhân dân Thành phố cho ý kiến 12 nghị quyết tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề an sinh-xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục…/.