TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong phát triển văn hóa xã hội, du lịch

Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của thành phố.
Quang cảnh phiên họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 20 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của Thành phố.

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố đã tập trung chất vấn các vấn đề: Việc thực hiện chủ đề 2020 của Thành phố là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị;” quy hoạch quảng cáo; trùng tu và bảo tồn các di tích văn hóa; phát triển nhân lực làm việc trong lĩnh vực văn hóa...

Trả lời tại phiên chất vấn, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Sở đang chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về thực hiện chủ đề năm 2020. Trong đó, việc thực hiện chủ đề năm 2020 chia thành 2 phần gồm lĩnh vực văn hóa với 44 đầu việc, 5 nhóm nhiệm vụ; lĩnh vực văn minh đô thị gồm 32 đầu việc.

Nhìn chung, những tháng đầu năm 2020, các hoạt động văn hóa của Thành phố chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và chỉ được phục hồi tổ chức vào thời gian gần đây. Thành phố đã tập trung đẩy mạnh thực hiện 7 chương trình đề án; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của lễ hội và sự kiện; thực hiện 4 nhóm trọng tâm về hoạt động văn hóa cơ sở như tổ chức chương trình đối thoại văn hóa…

Liên quan đến vấn đề quảng cáo, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết quy hoạch quảng cáo sẽ được cập nhật vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thành phố.

Trang quảng cáo rao vặt trên địa bàn Thành phố vốn là một vấn nạn nhức nhối khó giải quyết triệt để rất cần sự quan tâm, xử lý của các địa phương và vận động, thuyết phục người dân không sử dụng hình thức này.

[TP.HCM phấn đấu cuối năm hoàn thành cơ bản đầu tư công]

Đối với tiến độ một số công trình văn hóa trọng điểm như Công trình rạp xiếc biểu diễn đa năng Phú Thọ, Dự án Nhà hát nhạc và vũ kịch tại Quận 2, Bảo tàng Thành phố, Nhà hát nghệ thuật truyền thống, Sở Văn hóa-Thể thao đang phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị liên quan để thực hiện các công việc liên quan sớm triển khai thực hiện các dự án theo đúng tiến độ.

Về vấn đề người dân quan tâm được đưa ra tại phiên chất vấn liên quan đến tình trạng quản lý, xử lý tiếng ồn do hát karaoke loa kéo gây ra tại các khi dân cư, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết đang có một số vấn đề chồng chéo gây khó khăn cho việc xử lý về tiếng ồn như Sở Văn hóa Thể thao không có chức năng đo tiếng ồn, mà phải ký hợp đồng với đơn vị chức năng; Nghị định 155 của Chính phủ thì xử lý về mặt môi trường thuộc về trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường, trong khi đó Nghị định 167 lại quy định xử lý vi phạm trật tự trong lĩnh vực hành chính thuộc về trách nhiệm của công an.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, trách nhiệm chính trong vấn đề này là của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng công an phường, xã, thị trấn. Ngành Văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các quận huyện tăng cường công tác quản lý, đề nghị các quận huyện chỉ đạo phường xã, các lực lượng chức năng tăng cường quản lý, xử lý kịp thời, không để phát sinh mâu thuẫn xảy ra khi có tiếng ồn, không chỉ do karaoke mà từ các hoạt động khác gây mâu thuẫn xã hội.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 46 trường hợp gây tiếng ồn do hát Karaoke loa kéo bị lập biên bản và xử lý. Tuy mức phạt thấp nhưng trước mắt cũng là giải pháp để chấn chỉnh việc gây tiếng ồn trong khu dân cư. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Thành phố các biện pháp xử lý nguồn gây tiếng ồn lớn.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Nghị định 167 chỉ quy định xử lý hành vi gây tiếng ồn từ 22 giờ đến 6 giờ sáng là không đầy đủ, vì tiếng ồn do hát karaoke vào ban ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người xung quanh.

Vì vậy vấn đề gây tiếng ồn tại khu dân cư do hát karaoke phải được đưa vào hương ước, quy ước với sự đồng thuận của người dân về vấn đề sinh hoạt văn hóa tinh thần, văn minh trong ứng xử. Các cấp chính quyền chỉ vào cuộc khi hành vi đó không được tuân thủ.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khó khăn hiện nay là trách nhiệm xử lý của các cơ quan trước thực trạng này vẫn chưa thống nhất, chưa rõ ràng giữa ngành văn hóa, tài nguyên môi trường và cơ quan công an. Vì thế khi tiếp cận sự việc cụ thể, mặc dù có đoàn liên ngành cùng phối hợp kiểm tra, thì việc xử lý vẫn chưa triệt để. Sắp tới, phải có hướng dẫn cụ thể cho quận huyện giải quyết vấn nạn karaoke loa kéo và nhiều vấn đề có liên quan khác.

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong phát triển văn hóa xã hội, du lịch ảnh 1Trong ảnh: Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố trả lời chất vấn các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trả lời chất vấn các đại biểu Hội đồng Nhân dân về vấn đề, quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch trong thời hậu COVID-19 và định hướng phát triển du lịch trong tương lai, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, du lịch Thành phố bị sụt giảm mạnh cả về lượng du khách và nguồn thu.

Thành phố cũng đã xác định, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nếu tình trạng kiểm soát dịch COVID-19 đang rất phức tạp trên thế giới.

Thành phố đã triển khai hàng loạt các chương trình kích cầu du lịch, liên kết các địa phương, các doanh nghiệp lữ khành, khách sạn, tung gói kích cầu thu hút du khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giúp ngăn chặn suy thoái, giải thể của các doanh nghiệp du lịch…

Với hàng loạt giải pháp như trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng 6 tháng cuối năm thị trường khách nội địa kỳ vọng có thể hồi phục 80% so với thời gian trước khi có dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, khi các điều kiện cho phép, ngành du lịch Thành phố sẽ mở cửa đón khách quốc tế trở lại dựa trên bộ tiêu chí an toàn đang được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước.

Thừa nhận du lịch thành phố hiện đang còn nhiều điểm cần khắc phục như sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, chưa kết nối sản phẩm văn hóa, giải trí vào với dịch vụ du lịch…, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết trong định hướng quy hoạch phát triển du lịch thành phố 10 năm tới, sẽ đẩy mạnh các biện pháp nâng cao tiềm năng du lịch của Thành phố tại Cần Giờ, Củ Chi, đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch y tế, du lịch hội thảo… để du lịch đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục