Ngành Y tế cần tiếp tục giám sát, điều tra các trường hợp đến khám sàng lọc tại các bệnh viện để truy vết, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.
Bên cạnh đó, ngành cần thực hiện xét nghiệm mở rộng, ưu tiên từ các khu vực xuất hiện ca mắc, xét nghiệm theo chuỗi tiếp xúc gần; xét nghiệm toàn bộ cư dân tại khu vực tòa nhà, chung cư có ca mắc.
Đây là yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố với 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức ngày 11/6.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi ngày, thành phố phát hiện từ 30-50 ca bệnh.
Các ca bệnh này đa số là các trường hợp có tiếp xúc với ca mắc trước đó đã được cách ly; phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu vực có nguy cơ và người dân đến các bệnh viện khám bệnh khi có triệu chứng.
Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 14 đến 21 ngày, vì vậy trong 10 ngày tới có thể sẽ phát hiện thêm các ca mắc rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.
Về các trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng làm việc tại các khu công nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, cần đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở lao động, đơn vị trên địa bàn.
Song song đó, ngành Y tế cần nâng cao năng lực xét nghiệm, huy động mọi lực lượng để nâng công suất xét nghiệm lên 100.000 mẫu đơn/ngày, sẵn sàng phương án khi Thành phố có 5.000 ca nhiễm; đồng thời phân công 7 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 với 2.000 giường, với 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở; triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với 3.000 giường.
Về vấn đề tiêm vaccine cho người dân, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Thành phố sẽ thành lập tổ công tác mua và tiêm vaccine COVID-19 với thành phần là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số chuyên gia trong ngành Y tế tham gia. Tổ này có nhiệm vụ đàm phán, tham mưu việc mua và tổ chức tiêm vaccine.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc đàm phán mua và tiêm vaccine phải tính toán chu đáo. Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 2/3 dân số của thành phố trong năm 2021 nhưng nguồn vaccine không thể cung ứng cùng một lúc. Như vậy, cần phải có lộ trình đàm phán mua vaccine, thứ tự ưu tiên tiêm cho từng đối tượng.
[TP.HCM: Đã kiểm soát được chùm lây nhiễm COVID-19 ở quận Gò Vấp]
"Do đặc thù nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ tiêm vaccine. Tuy nhiên, trong điều kiện vaccine cung ứng còn hạn chế, cần phải có lộ trình và ưu tiên. Bên cạnh chương trình vaccine của các cơ quan Trung ương, mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là tiêm đầy đủ cho mọi người dân thành phố, thậm chí hỗ trợ cho các địa phương khác," ông Nguyễn Thành Phong nói.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong 10 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu hết người dân chấp hành tốt các quy định, lưu lượng giao thông qua lại quận giảm một nửa so với ngày thường, số lượng người dân ra ngoài khi không cần thiết rất ít.
Hiện quận Gò Vấp có 106 ca mắc COVID-19, trong đó 101 ca đã có mã số, 5 ca nghi mắc. Nhận định những ngày giãn cách còn lại tình hình dịch sẽ có chuyển biến tốt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp kiến nghị không giãn cách xã hội thêm sau 0 giờ ngày 15/6.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng đề xuất, cần tăng cường mở rộng xét nghiệm tầm soát dịch trên diện rộng đối với người lao động phổ thông, người buôn bán tự do bởi trong 38 ca mắc trên địa bàn huyện Hóc Môn có đến 70% là lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, ông Dương Hồng Thắng kiến nghị ưu tiên nguồn lực vaccine để tiêm cho lực lượng công an, quân đội ở các địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức làm việc với quận Gò Vấp và các sở, ngành nhằm đánh giá tình hình dịch sau thời gian giãn cách, đồng thời cân nhắc đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố về các biện pháp tiếp theo.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, thành phố có 837 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 595 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng, 238 trường hợp nhập cảnh, 270 trường hợp điều trị khỏi, hai bệnh nhân tử vong.
Ngoài ra, Thành phố đang tiếp tục điều trị 566 bệnh nhân dương tính mới, hiện có 9 bệnh nhân rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh./.