Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn hiện nay, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19, ngày 21/7, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 trên địa bàn thành phố (bao gồm tất cả các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và thành phố Thủ Đức).
Tăng cường phối hợp giữa y tế địa phương và gia đình bệnh nhân F0
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương trực thuộc thành lập ngay các cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 thuộc địa bàn quản lý, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình trong chăm sóc và giám sát người nhiễm COVID-19.
Nhiệm vụ của cơ sở cách ly tập trung tại địa phương là tiếp nhận các trường hợp F0 (có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR dương tính) và không có triệu chứng lâm sàng, không kèm bệnh lý nền hoặc nếu có bệnh lý nền thì đã được điều trị ổn định, không béo phì; theo dõi tình hình sức khỏe người cách ly tập trung, kịp thời phát hiện triệu chứng mới xuất hiện ở người cách ly để chuyển viện điều trị; chăm sóc và hướng dẫn người bệnh nhận biết “dấu hiệu thiếu oxy” để kịp thời phát hiện sớm các triệu chứng bất thường, dấu hiệu chuyển nặng.
Kịp thời cho người bệnh thở oxy khi cần, đồng thời liên hệ Trung tâm cấp cứu 115 hoặc “Tổ cấp cứu ngoại viện” của các bệnh viện thuộc địa phương mình để chuyển người bệnh đến các Bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời (trong trường hợp nguy kịch).
Hằng ngày, các cơ sở cách ly tập trung cập nhật dữ liệu người cách ly F0 vào phần mềm ứng dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19.”
[Nghị quyết phiên họp chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19]
Theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn các phường, xã, thị trấn, quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng (sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học...).
Căn cứ vào số trường hợp F0 được phát hiện và điều kiện cơ sở hạ tầng sẵn có để xác định quy mô giường bệnh phù hợp với yêu cầu thực tế của mỗi địa phương.
Bố trí cách ly riêng biệt, đảm bảo không lây nhiễm chéo
Các khu cách ly tập trung phải bố trí khu vực cách ly riêng biệt cho người có xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính (chưa có kết quả RT-PCR) và người đã có kết quả RT- PCR dương tính. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người được cách ly như: nhà vệ sinh, giường, cung cấp thức ăn đầy đủ theo quy định, xử lý rác y tế, bồn rửa tay...
Về trang thiết bị y tế, thuốc, phải trang bị đủ bộ dụng cụ cấp cứu, các dụng cụ theo dõi sức khỏe như nhiệt kế, huyết áp, ống nghe, thiết bị đo độ bảo hòa oxy trong máu qua da, phương tiện phòng hộ cá nhân, khẩu trang, thuốc hạ sốt và vitamin. Mỗi cơ sở có ít nhất từ 5-10 bình oxy để có thể cho nhiều người bệnh cùng thở một lúc trong khi chờ chuyển người bệnh đến bệnh viện.
Trường hợp trên địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức có nhiều cơ sở cách ly tập trung khác nhau, tùy thuộc vào quy mô của mỗi cơ sở mà Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức có thể thành lập các cơ sở cách ly tập trung với Ban Quản lý riêng biệt (nếu quy mô lớn trên 500 giường) hoặc nhiều cơ sở cách ly tập trung trực thuộc một Ban Quản lý chung, có phân công người phụ trách cho từng cơ sở.
Đối với nguồn nhân sự, các cơ sở cách ly tập trung sử dụng nhân lực y tế của các bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và nguồn nhân lực tăng cường do Sở Y tế điều động; khuyến khích vận động nguồn lực y tế tư nhân và các bác sĩ nghỉ hưu có sức khỏe tốt trên địa bàn tham gia.
Ngoài ra, cần huy động các nguồn nhân lực khác nhau trên địa bàn tham gia công tác phục vụ ăn uống, vệ sinh, an ninh, trật tự và vận chuyển người bệnh.
Thành lập “Tổ phản ứng nhanh”
Ngoài các cơ sở cách ly tập trung cho các F0, mỗi địa phương trực thuộc cần thành lập “Tổ phản ứng nhanh” (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, công an...) để kịp thời hỗ trợ các tình huống khẩn cấp tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Khi có nhu cầu chuyển viện (không cấp cứu), gọi Tổng đài 115 để được điều phối xe chuyển viện đến cơ sở cách ly để chuyển người bệnh đến bệnh viện. Khuyến khích các địa phương huy động xe vận chuyển hành khách và xe cấp cứu tư nhân để chủ động vận chuyển người bệnh.
Xe tham gia vận chuyển hành khách phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc khi tham gia vận chuyển người bệnh COVID-19 theo đúng quy định bao gồm: có kết cấu khoang riêng biệt giữa người bệnh và nhân viên y tế và tài xế; tài xế tham gia vận chuyển được tiêm vaccine phòng COVID-19, được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận sử dụng trang phục phòng hộ (PPE), tuân thủ các quy định phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19.
Về thời gian cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của phường, xã, quận huyện, thành phố Thủ Đức là 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với giá trị CT>30.
Trường hợp dương tính với giá trị CT<30, tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 2 ngày/lần cho đến khi kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì cho phép người bệnh tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà theo quy định.
Đối với các trường hợp F0 mới phát hiện và không có triệu chứng lâm sàng sẽ xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR có giá trị CT>30 và hội đủ các điều kiện theo quy định của ngành y tế.
Khi người bệnh đủ điều kiện xuất viện theo quy định, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoặc phường, xã, thị trấn ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly tập trung theo quy định./.