Ngày 6/4, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến hoạt động đăng kiểm trên địa bàn thành phố, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải cho biết đến nay, trên địa bàn thành phố còn 13/19 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động.
Trong số đó, 27/53 dây chuyền kiểm định đang hoạt động; 103/197 đăng kiểm viên đang làm việc; công suất kiểm định tối đa hiện đạt 1.630 lượt xe/ngày.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng qua, hoạt động đăng kiểm tại thành phố đã nhận được sự hỗ trợ của Cục Đăng kiểm Việt Nam và lực lượng cảnh sát giao thông, quân đội nhưng tình trạng ùn tắc, xếp hàng kéo dài tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp diễn đến những ngày đầu tháng 4/2023.
Tính từ ngày 15/2 đến 14/3, tổng số lượt phương tiện tham gia kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố là 28.450 lượt.
[Nam Định: Đổi mới để tháo gỡ tình trạng quá tải đăng kiểm xe cơ giới]
Về giải pháp dài hạn cho ngành đăng kiểm, ông Đỗ Ngọc Hải thông tin, nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương hoàn thiện phương án sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Trong đó, ngoài việc tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm, các đơn vị cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; xem xét thêm giải pháp ưu tiên cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô đáp ứng quy định được phép hoạt động kiểm định xe ô tô.
Ngoài ra, các đơn vị cần nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm... với mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm./.