TP.HCM: Tăng nguồn cung tại nhiều điểm bán bình ổn thị trường

Để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, ngành công thương TP.HCM đã tăng cường nguồn cung từ kênh phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia bình ổn.
TP.HCM: Tăng nguồn cung tại nhiều điểm bán bình ổn thị trường ảnh 1(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện tạm dừng hoặc đóng cửa một số điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ bán lẻ... do liên quan đến ca nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai linh hoạt giải pháp không để "đứt gãy" chuỗi cung ứng.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vừa công bố sẽ tăng lượng thịt lợn cho siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... lên gần gấp đôi sau khi có tin chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tạm đóng cửa để hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong 7 ngày, kể từ 0 giờ ngày 28/6/2021.

Saigon Co.op đã đặt hàng để các đơn vị cung cấp ngành hàng thịt lợn chủ động có kế hoạch giết mổ, đảm bảo nguồn cung cấp theo kế hoạch.

Các nhà cung cấp như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy... đang chạy hết công suất, sẵn sàng giao bổ sung, tăng chuyến hàng trong ngày cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food...

Chủ động chuẩn bị nguồn cung nên giá thịt lợn kinh doanh tại hệ thống điểm bán của Saigon Co.op khá ổn định và có xu hướng giảm nhẹ.

Đơn vị này đã sẵn sàng một trữ lượng lớn các loại thịt mát, thịt đông lạnh và hàng loạt mặt hàng thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản... để kịp thời bổ sung thay thế, can thiệp ổn định giá cả thị trường trên địa bàn.

[Dịch COVID-19: TP. HCM đảm bảo an toàn điểm bán hàng hóa thiết yếu]

Đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản Vissan cho hay, trong tháng 7, công ty triển khai các chương trình khuyến mãi thực phẩm tươi sống, giảm giá từ 10-20% các mặt hàng thịt lợn VietGAP, thịt bò Australia... Chương trình khuyến mãi có tại tất cả hệ thống thuộc Saigon Co.op, Aeon Citimart, Satra, Vinmart.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Công cũng kêu gọi người chăn nuôi "bình tĩnh" trước thông tin chợ Hóc Môn tạm đóng cửa trong 7 ngày tới; người chăn nuôi, thương nhân cần phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là các sở công thương để giữ cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Hiện Đồng Nai cung cấp khoảng 50% tổng lượng lợn cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thời điểm khó khăn chung chứ không riêng ngành chăn nuôi nên nếu đảm bảo năng suất ổn định sẽ giữ được mức giá có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn người nuôi.

Tương tự chợ Hóc Môn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Thành phố Hồ Chí Minh (chợ Bình Điền) - một trong 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất trên địa bàn cũng thông báo chỉ mở cửa hoạt động từ 16 giờ ngày hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau kể từ 27/6; sau khoảng thời gian này, chợ Bình Điền sẽ tiến hành vệ sinh, khử khuẩn.

Theo ông Tsàn A Sìn, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, thương nhân phải thực hiện ghi nhật ký tiếp xúc hằng ngày với đầy đủ nội dung về người tiếp xúc để thuận lợi khi truy vết nếu có rủi ro về dịch COVID-19.

Các thương nhân cũng phải thực hiện khai báo điện tử cho bản thân, người lao động và đối tác đến giao dịch.

Ban quản lý chợ Bình Điền cũng yêu cầu thương nhân chỉ tổ chức bán sỉ và dừng tất cả hoạt động bán lẻ; ưu tiên bán sỉ qua điện thoại, hạn chế vào chợ; cấm tuyệt đối người mua bán lẻ vào chợ và sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm.

Không chỉ chợ bán sỉ, mà mạng lưới chợ bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạm ngưng hoạt động để đảm bảo biện pháp phòng chống dịch như chợ Hoàng Hoa Thám, Hòa Hưng, Nguyễn Tri Phương, An Lạc, Tân Phú 2...

Điển hình, lực lượng chức năng đã yêu cầu đóng cửa tạm thời khu vực chợ Hòa Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi xác định một ca nghi nhiễm COVID-19 từng ăn tại một tiệm chay trong chợ này.

Thương nhân tại chợ ngừng kinh doanh để phối hợp cùng ngành y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và phun khử khuẩn toàn bộ khu vực.

Trước diễn biến dịch COVID-10 có xu hướng "tấn công" vào điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị ngành công thương các tỉnh, thành hỗ trợ, thông tin đến thương nhân.

Đặc biệt, thương nhân cần tổ chức lại hình thức vận chuyển, giao nhận hàng hóa phù hợp đối với diễn biến mới của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường nguồn cung từ kênh phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa.

Riêng đối với mặt hàng tươi sống như gia súc, gia cầm... thì những chuỗi cung ứng của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, San Hà, Vissan, C.P. Việt Nam, Anh Hoàng Thy, Fredy… với hơn 112 cửa hàng chuyên cung ứng các mặt hàng gia súc, gia cầm sẽ triển khai phương án bổ sung dự trữ hàng hóa tại điểm bán.

Hiện mạng lưới 1.962 điểm cung ứng hành hóa thiết yếu gồm 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung.

Những điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu này đảm bảo triển khai hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2021 về việc siết chặt và tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục