TP.HCM tận dụng 2 tuần giãn cách tiếp theo để kiểm soát mầm bệnh

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố trong hai tuần nữa là rất cần thiết để giải quyết căn cơ tình trạng lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.
TP.HCM tận dụng 2 tuần giãn cách tiếp theo để kiểm soát mầm bệnh ảnh 1Bưu điện thành phố hạn chế khách tham quan để tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh cần tận dụng tốt thời gian giãn cách 2 tuần tới, tuân thủ nghiêm theo Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và hạn chế tối đa việc tiếp xúc để kiểm soát việc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.

Đây là nội dung được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, tối 14/6.

Trưa 14/6, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 2 tuần nữa theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sau hai tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg toàn thành phố và áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), thành phố đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm lớn.

Tuy nhiên, trên địa bàn cũng xuất hiện một số chuỗi, ổ dịch ngoài cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây. Do đó, việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố trong hai tuần nữa là rất cần thiết để giải quyết căn cơ tình trạng lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, chu kỳ lây nhiễm của dịch COVID-19 phổ biến hiện nay là 14 ngày, đây là thời gian người nhiễm virus xuất hiện triệu chứng và có thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, người dân Thành phố cần tuân thủ nghiêm theo Thông điệp 5K, đeo khẩu trang mọi lúc và hạn chế tối đa việc tiếp xúc không cần thiết để hỗ trợ ngành y tế dập dịch triệt để.

“Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin các địa điểm dịch tễ để tự đánh giá nguy cơ của mình và liên hệ cơ sở y tế hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, giữ môi trường sống thông thoáng, hạn chế việc bật điều hòa nhiệt độ thấp hay tiếp xúc trong môi trường kín. Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc online, quản lý tốt danh sách nhân viên, sẵn sàng phương án xử lý và phối hợp với y tế cơ sở khi có trường hợp nhiễm bệnh," bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng khuyến cáo.

[TP.HCM: Phải quyết liệt, chặt chẽ hơn nữa trong phòng, chống dịch]

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện điều trị COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong hơn một năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn đã thực hiện tốt nguyên tắc phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, cơ sở y tế.

Việc xuất hiện chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh (nhận định nguồn lây từ cộng đồng) là một bài học lớn đối với ngành y tế thành phố.

Ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên, bệnh viện và Sở Y tế đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết để giảm thiểu việc kéo dài chuỗi lây nhiễm.

Sở Y tế cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế của các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch trong và sau giờ làm.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết kết quả chống dịch trên địa bàn thành phố trong hai tuần tới phụ thuộc vào mức độ mầm bệnh trong cộng đồng trước khi giãn cách và việc giãn cách xã hội có được tuân thủ tốt hay không.

Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, chỉ trong thời gian ngắn triển khai việc khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, phòng khám trên địa bàn đã phát hiện tới 48 trường hợp mắc COVID-19 không liên quan đến các chuỗi lây nhiễm đã xác định trước đó. Vì vậy, khả năng mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng là rất cao và khó xác định được có bao nhiêu trường hợp mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Tuy nhiên, những trường hợp không có triệu chứng sau 14 ngày thì ít có khả năng lây cho người khác. Do đó, hai tuần tới là thời gian cần thiết để thành phố đánh giá lại tình hình dịch bệnh và áp dụng biện pháp phù hợp với thực tế.

TP.HCM tận dụng 2 tuần giãn cách tiếp theo để kiểm soát mầm bệnh ảnh 2 Tuyến đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 vắng bóng người trước giờ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về việc sử dụng bộ kit test nhanh COVID-19 tại các hiệu thuốc hoặc tại nhà theo gợi ý của Bộ Y tế trước đó, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng thông tin việc lấy mẫu test nhanh không khó nhưng cần đúng kỹ thuật mới có thể bóc tách được kháng nguyên COVID-19 vào dụng cụ test và không gây lây nhiễm mầm bệnh ra xung quanh.

Hơn nữa, dù kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 thì vẫn phải tiến hành xét nghiệm RT-PCR khẳng định. Do đó, tùy thuộc vào mức độ nguy cơ của từng khu vực mà các đơn vị y tế sẽ tiến hành lấy mẫu test nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

Để nhanh chóng kiểm soát việc lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế Thành phố sẽ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ khoanh vùng, truy vết các trường hợp tiếp xúc ca bệnh cũng như thời gian xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Sở yêu cầu sau 2 giờ xác định ca dương tính, phải truy vết được các trường hợp tiếp xúc gần (F1) để lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung; rút ngắn thời gian có kết quả xét nghiệm F1 từ 24 giờ (theo quy định của Bộ Y tế) xuống còn 6-10 giờ.

Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, mệt mỏi, mất vị giác, khướu giác cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, khai báo đầy đủ, chính xác thông tin dịch tễ để hỗ trợ công tác truy vết, khoanh vùng nếu có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục