TP.HCM tạm ngưng tập kết giao hàng, bán buôn trực tiếp tại một số chợ

Chiều 27/6, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh công bố thông tin về kế hoạch và phương án đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
TP.HCM tạm ngưng tập kết giao hàng, bán buôn trực tiếp tại một số chợ ảnh 1Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng sản phẩm thịt lợn từ chủng loại đến số lượng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều 27/6, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh công bố thông tin về kế hoạch và phương án đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố.

Đây là những phương án khẩn cấp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2021 về việc siết chặt và tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Điều tiết cung-cầu

Cụ thể, để tạo điều kiện cho chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ Hóc Môn) hoàn chỉnh phương án phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành văn bản số 3476/UBND-KT ngày 26/6/2021 về việc tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ Hóc Môn kể từ 00 giờ 00 phút ngày 28/6/2021 đến 00 giờ 00 phút ngày 4/7/2021.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, hiện chợ Hóc Môn tạm thời phong tỏa 33 sạp trái cây và 3 sạp rau củ quả Đà Lạt vì liên quan đến ca nhiễm COVID-19. Trong ngày cuối trước khi tạm dừng hoạt động, số lượng hàng hóa nhập về chợ giảm còn 1.500 tấn và ưu tiên cho những tiểu thương mua sỉ về cung cấp cho chợ bán lẻ, hạn chế lượng người dân vào mua lẻ theo diện gia đình tiêu dùng.

"Việc tạm thời đóng cửa chợ 7 ngày từ ngày 28/6/2021 là điều cần thiết ở thời điểm này. Trong thời gian đóng cửa, chợ Hóc Môn sẽ tập trung thực hiện xịt rửa chợ, phun khử khuẩn và tiến hành tiêm vaccine cho khoảng 4.000 thương nhân, cán bộ, nhân viên làm việc tại chợ để người dân yên tâm mua, bán," ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm.

Để hoạt động lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành vào chợ Hóc Môn được đảm bảo thông suốt, không ùn ứ, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành hỗ trợ, thông tin kịp thời đến thương nhân trên địa bàn có đối tác tại chợ Hóc Môn. Đặc biệt, thương nhân cần tổ chức lại hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng hóa phù hợp, còn các Sở Công Thương chủ động cử đầu mối liên hệ và xử lý thông tin nhanh khi cần thiết.

[TP.HCM: Doanh nghiệp quyết tâm duy trì sản xuất giữa tâm dịch]

Liên quan đến vấn đề đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp sở ngành có liên quan, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để triển khai kế hoạch điều tiết hàng hóa; trong đó, lực lượng liên ngành công thương sẽ bám sát diễn biến tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường nguồn cung từ kênh phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm tại chợ Hóc Môn. Mặt khác, ngành công thương có tính đến phương án tiếp nhận, phân phối, giao hàng trực tiếp đến chợ bán lẻ, tổ chức điểm bán buôn với giá sỉ... để phân phối, cung ứng hàng hóa cho đơn vị kinh doanh trong khu dân cư.

Điển hình, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều chuyển trực tiếp hàng hóa từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ Hóc Môn sang các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và Thủ Đức. Song song đó, tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ Bình Điền và Thủ Đức; thực hiện bán hàng lưu động, bổ sung nguồn cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu...

Riêng đối với mặt hàng tươi sống như gia súc, gia cầm... thì những chuỗi cung ứng của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, San Hà, Vissan, CP. Việt Nam, Anh Hoàng Thy, Fredy… với hơn 112 cửa hàng chuyên cung ứng mặt hàng gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai phương án bổ sung dự trữ hàng hóa tại điểm bán. Những chuỗi cung ứng này, cũng sẽ tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ..

Còn mạng lưới 1.962 điểm cung ứng thực phẩm, gồm: 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố.

Giảm tập trung mua sắm

Ghi nhận thực tế tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây cho thấy chính quyền các quận, huyện đã chủ động "siết chặt" hoạt động bán buôn ở mạng lưới chợ truyền thống. Trong đó, Ban quản lý chợ Bình Thới, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phát thẻ ra vào để hạn chế tụ tập và đảm bảo không quá 200 người tham gia mua sắm tại chợ cùng thời điểm.

TP.HCM tạm ngưng tập kết giao hàng, bán buôn trực tiếp tại một số chợ ảnh 2Khách mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, hiện tại chợ Bình Thới có diện tích 5.000m2, với 558 sạp và hơn 500 tiểu thương. Tính đến nay có hàng chục nghìn phiếu đã được phát cho người dân trong khu vực tham gia mua sắm tại chợ này. Trên mỗi phiếu có ghi số thứ tự, thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể... được phát và đảm bảo an ninh trật tự cho mọi người dân có nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu cho gia đình.

Tương tự, tại hầu hết chợ thuộc mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang linh hoạt biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm hàng hóa lưu thông liên tục, không bị gián đoạn do xuất hiện ca nhiễm dịch bệnh. Trong đó, đơn vị quản lý chợ thực hiện đúng hướng dẫn hoạt động kinh doanh với mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, tạm ngưng hoạt động đối với toàn bộ hàng hóa không thiết yếu.

Tất cả chợ đồng loạt thông báo cụ thể thông tin hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hoạt động và khu vực tổ chức kinh doanh tại chợ để khách hàng, người dân dễ dàng tham gia mua sắm mà vẫn đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cùng với đó, những người đến và giao dịch tại chợ đều phải tuân thủ nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, còn tiểu thương triển khai ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ thông tin như họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày… để phục vụ việc truy vết, cách ly khi cần thiết.

Trong những ngày gần đây, mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành phong tỏa cửa phụ, lối đi phụ... của chợ để phân luồng lối ra-vào và tập trung nhân lực kiểm soát khu vực chính, giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đối với những chợ có mật độ mua sắm đông, nguy cơ lây nhiễm cao, tùy thuộc tình hình thực tế, các đơn vị quản lý chợ cũng rà soát tổng thể và có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn...

Hơn thế nữa, Ban quản lý chợ thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn đối với nền nhà, lối đi trong chợ và các khu vực công cộng ít nhất 1 lần/ngày, thực hiện khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ ít nhất 2 lần/tuần. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, việc đáp ứng yêu cầu trong phòng, chống dịch COVID-19, sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét, quyết định tạm dừng hoạt động đối với chợ truyền thống không bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục