TP.HCM siết quản lý mua bán, sử dụng hóa chất dễ gây cháy nổ

Từ đầu năm đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 4 vụ cháy, nổ do hóa chất, làm 13 người thương vong, thiệt hại trên 34 tỷ đồng.
Hiện trường một vụ nổ tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng liên quan đến việc mua bán, sử dụng hóa chất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây ra tâm lý bất an trong nhân dân, ngày 22/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện của thành phố để bàn các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, hạn chế những thiệt hại đáng tiếc do cháy nổ có thể xảy ra.

Bất cập trong quản lý hóa chất

Theo Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến này, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ cháy, nổ do hóa chất, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng trên 34 tỷ đồng.

Những vụ cháy, nổ này làm ảnh hưởng lớn đến an toàn xã hội và tác động xấu đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn đất và nguồn nước xung quanh trên diện rộng. Điển hình như vụ cháy lớn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Hùng Thái (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), thiêu rụi 500 tấn hóa chất, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do rò rỉ hóa chất Clorin, có tính oxy hóa mạnh khi tiếp xúc với nước gây phản ứng tỏa nhiệt lớn, gây cháy lan sang các vật dụng khác.

"Nóng nhất" là vụ nổ xảy ra chiều 17/10 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12) làm 3 người thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do sự bất cẩn trong quá trình sản xuất có các nguyên liệu là tiền chất của chất nổ như KNO3, KCIO3...

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện trên địa bàn thành phố có gần 140 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Các cơ sở này có diện tích nhỏ, kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh.

Theo quy định, các cơ sở này không lập hồ sơ quản lý riêng lẻ mà quản lý theo khu dân cư và trách nhiệm quản lý thuộc về địa phương. Riêng đối với chợ Kim Biên và các khu vực xunh quanh chợ này (nằm trên địa bàn phường 13, quận 5), theo khảo sát của các cơ quan chức năng hiện có tới 51 cơ sở kinh doanh buôn bán và kho chứa hàng hóa chất các loại.

Theo Đại tá Trần Thanh Châu, nhiều loại hóa chất là tiền chất nổ, có thể được sử dụng chế tạo thuốc nổ, không nằm trong các danh mục cấm kinh doanh, được sử dụng, mua bán rất dễ dàng tại chợ Kim Biên và nhiều cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn thành phố.

Đề cập đến những bất cập trong vấn đề quản lý kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc quản lý hóa chất còn rất chồng chéo, do nhiều bộ, ngành quản lý. Điển hình như hóa chất được dùng để sản xuất phân bón hiện nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương phân chia quản lý…

Mặt khác, việc quản lý mua bán, kinh doanh, sản xuất các loại hóa chất hiện rất lỏng lẻo. Các sở, ngành, cơ quan quản lý hành chính tại địa phương không nắm được số lượng các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất trên địa bàn mình, từ đó tạo “vùng trống” trong công tác quản lý loại hình kinh doanh, sản xuất này.

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 năm gần đây, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 74 trường hợp, xử phạt 53 trường hợp vi phạm, khởi tố 8 vụ án về tàng trữ sử dụng hóa chất gây nổ. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề quản lý, xử phạt những trường hợp vi phạm liên quan đến hóa chất, chất nổ còn khó khăn, bất cập do liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau.

Siết chặt quản lý địa bàn

Đưa ra một số giải pháp để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý việc buôn bán, sản xuất liên quan đến hóa chất, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác quản lý hóa chất là điều rất quan trọng, cần có giải pháp căn cơ, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng trong vấn đề này.

Theo ông Lê Hoàng Quân, công tác quản lý địa bàn rất quan trọng, giúp nắm bắt thông tin một cách sớm nhất, từ đó có các phương án phòng ngừa kịp thời. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân của 24 quận, huyện cần nghiêm túc xem xét công tác quản lý địa bàn.

Thực tế hiện nay, công tác nắm địa bàn của chính quyền địa phương còn chưa sâu sát, chưa nắm được số lượng, thiếu sự kiểm soát các cơ sở có hoạt động sản xuất, nhất là liên quan đến hóa chất trong các khu dân cư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất dễ cháy nổ; rà soát nguồn gốc những hóa chất, nguyên liệu, nơi mua bán, mục đích sử dụng; tiếp tục siết chặt quản lý những cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất trong danh mục quản lý của ngành mình.

Về lâu dài, Sở Xây dựng phối hợp Ủy ban Nhân dân các quận, huyện lên phương án di dời, giải tỏa các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong khu dân cư. Trước mắt, Sở Công Thương thành phố sẽ nhận trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất phân bón có sử dụng hóa chất trên địa bàn thành phố để tránh sự chồng chéo.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất hóa chất trên địa bàn thành phố, quyết liệt xử phạt nếu phát hiện vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục