"TPHCM sẽ là tâm điểm đầu tư của doanh nghiệp Nhật"

Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản Kohei Watanabe nhận định tương lai, TPHCM sẽ là tâm điểm hút đầu tư từ Nhật Bản.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Chiều 31/10, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo sở, ngành của thành phố đã có buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản và ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản dẫn đầu.

Tại buổi tiếp, ông Lê Hoàng Quân cho rằng, đây là đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đông nhất đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh từ trước tới nay.

Trong năm 2013, hai nước đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm, đánh giá những thành tựu hợp tác giữa hai bên trong 40 năm qua. Hiện nay, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng người Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh được xem là đông nhất so với các nước.

Để thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã xây dựng Khu công nghiệp Việt-Nhật có diện tích 100ha, cùng với hơn 1.000ha trong diện quy hoạch. Đây là điểm đầu tư mới của thành phố dành cho doanh nghiệp Nhật Bản, sau Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.

Ông Kohei Watanabe cho biết trong những năm gần đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản chiếm khá cao. Trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản khi về nước sẽ kêu gọi các doanh nghiệp khác đầu tư vào khu công nghiệp Việt-Nhật.

Để đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư từ Nhật Bản, ông Kohei Watanabe cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng được kế hoạch phát triển tổng thể. Chìa khóa ở đây chính là xây dựng một thành phố thân thiện với môi trường, quy hoạch giao thông hiện đại. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông rất quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.

Chiều cùng ngày, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản đã có buổi tọa đàm với Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang rất tốt đẹp. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng tới đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nhiều địa phương tại Nhật Bản cũng quan tâm hợp tác với Việt Nam. Các tỉnh, thành phố cần xem xét kỹ Chiến lược Tokyo 2012 về hợp tác Mekong-Nhật Bản, tìm ra các điểm thuận lợi để khai thác, hợp tác với nước bạn.

Ông Trần Thanh Huân, Vụ trưởng-Giám đốc quỹ ngoại giao kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho rằng, để thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, các địa phương khu vực này cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, kêu gọi đối tác đầu tư vào hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư vào các ngành thế mạnh của vùng như nông sản, thủy sản, hải sản; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục