TP.HCM sắp triển khai một số nội dung khi Nghị quyết 54 có hiệu lực

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai ngay một số nội dung đã chuẩn bị khi Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực ngày 15/1/2018.
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ - TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai ngay một số nội dung đã chuẩn bị khi Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực ngày 15/1/2018.

Đây là thông tin được lãnh đạo Thành phố và các chuyên gia thống nhất tại buổi họp triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 11/12.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 19 nội dung được Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa IX giao tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, có 10 nội dung là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên của các sở, ngành, 9 nội dung cần sự liên kết, phối hợp giữa các sở, ngành cùng sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia.

Trong đó, các nội dung cần nghiên cứu sâu thuộc các vấn đề phân cấp, ủy quyền; đề án các loại phí, lệ phí mới cũng như tăng và đề xuất tăng thuế suất; tăng thu nhập cho cán bộ; huy động vốn đầu tư...

Dự kiến tháng 4/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ hoàn thành một số đề án quan trọng và trước tháng 6/2018 sẽ trình Thành ủy, Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Lãnh đạo các sở, ngành, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tính kỹ, nghiên cứu sâu một số nội dung về tăng thuế, phí, lệ phí cũng như đặt ra các loại phí, lệ phí mới, bởi tác động rất lớn tới xã hội và kinh tế thành phố.

Trong đó, đề án không chỉ nghiên cứu tăng thuế, phí, lệ phí mà cũng cần nghiên cứu để có thể giảm một số loại phí, lệ phí khác.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, triển khai các nhóm về thuế, phí rất hóc búa, không hề đơn giản bởi cần có sự đánh giá tác động. Khi đặt ra phí mới hay tăng phí, phải nghiên cứu tác động bởi có những tác động tích cực và tiêu cực. Tăng thuế chưa chắc tăng thu, giảm thuế chưa chắc đã giảm thu.

Trong khi đó, theo chuyên gia Huỳnh Thế Du, tăng thuế, phí phải đảm bảo 3 yếu tố là hiệu quả, công bằng và tính hành thu. Trong đó, tính hành thu rất quan trọng bởi làm không khéo thì tiền thuế sẽ chuyển sang địa phương khác, dẫn đến việc tăng thuế nhưng tổng nguồn thu lại giảm.

Nếu tính toán kỹ thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là “vùng trũng” để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; ngược lại Thành phố có thể trở thành “vùng cao”, các hoạt động kinh tế “chảy sang” các nơi khác.

Về triển khai xây dựng và thực hiện các đề án, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, Ủy ban Nhân dân Thành phố cần hình thành các nhóm nghiên cứu tổng thể về xây dựng đề án liên quan đến ngân sách với các nhóm nhỏ về thuế, phí, công sản; về cải cách hành chính, tăng thu nhập gắn với tính hiệu quả…

Trước mắt, khi Nghị quyết 54 của Quốc hội có hiệu lực, xem cái nào dễ nhất thì thực hiện ngay nhằm tạo đà cho việc triển khai Nghị quyết.

[Nhanh chóng triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ​TP.HCM]

Cùng quan điểm này, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ ngày 15/1/2018 (khi Nghị quyết 54 có hiệu lực), có một số cơ chế như ủy quyền đã có sự chuẩn bị từ trước, nên có thể triển khai ngay. Các quận, huyện, phường, xã đã chờ đợi, sẵn sàng thực hiện và điều này cũng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thống nhất sẽ hình thành các tổ (nhóm) về cơ chế tài chính ngân sách, thu nhập cán bộ; phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính; đầu tư, đất đai... để xây dựng các đề án.

Các nhóm sẽ do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố trực tiếp quản lý, bên cạnh các sở, ngành sẽ mời các chuyên gia tham gia vào nhóm để góp ý, đánh giá, phản biện.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua Thành phố đã có những hoạt động quan trọng liên quan đến nội dung Nghị quyết 54 như tổ chức Hội nghị trao đổi về quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Dự kiến cuối tháng 12/2017, Thành phố thành lập Tổ liên ngành về đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố làm tổ trưởng với các thành viên là Giám đốc các sở, ngành, qua đó đánh giá việc đầu tư và triển khai nhanh chóng, không để kéo dài làm mất thời gian của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố đang trình các cấp về thực hiện thu hồi đất đai hiệu quả...

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, đến ngày 15/1/2018, tất cả các nhóm phải chuẩn bị xong đề cương để báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Trước mắt, một số công việc công bố như thành lập Tổ liên ngành về đầu tư, quy trình BT có thể triển khai ngay để tạo động lực thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục