TP.HCM rà soát quy trình quản lý tại các trung tâm xã hội

Sau nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm lĩnh vực này.

Chiều 7/12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiều vấn đề "nóng" cử tri quan tâm được các đại biểu đưa ra để tập trung thảo luận.

Rà soát quy trình quản lý tại các trung tâm xã hội

Sau nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là sự việc một nhân viên của Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố có hành vi dâm ô với nhiều bé gái tại trung tâm, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm lĩnh vực này.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ và quy trình quản lý tại các trung tâm của Sở này. Bà Nhung cho biết sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố vừa qua thì lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có xem xét lại quy trình quản lý chưa, có tổng rà soát hoạt động của các nơi này chưa?

[Yêu cầu làm rõ vụ thiếu nữ tố bị hiếp dâm ở trung tâm bảo trợ xã hội]

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo cũng trăn trở về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp hơn; thậm chí, xâm hại trẻ ngay cả tại trung tâm bảo trợ xã hội. Điều này đặt ra vấn đề về vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này như thế nào.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Sở đã tiến hành rà soát lại quy trình quản lý các trung tâm, chấn chỉnh nội quy, quy chế và sẽ không để xảy ra sự việc tương tự như vừa qua.

Theo ông Tấn, đơn vị này hiện đang quản lý 17 cơ sở nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Có 1.874 cán bộ công chức viên chức làm việc ở các cơ sở này thực hiện quản lý 6.300 đối tượng yếu thế, trong đó trẻ em chiếm đến 80%. Các đối tượng của các trung tâm bảo trợ xã hội có khi là những người già không tự chăm sóc, là trẻ bại não, trẻ lang thang...

“Dù Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố là đơn vị sự nghiệp, có pháp nhân, có Ban Giám đốc... nhưng khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải chịu trách nhiệm. Trước mắt, sẽ có nhiều cán bộ của Sở và của Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố bị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của mình,” ông Tấn cho biết.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Báo cáo tại kỳ họp, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 16 sở ngành, 24 Ủy ban Nhân dân quận, huyện và 105 Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn; với tổng số 12.459 cuộc khảo sát độc lập người dân và doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính công từ ngày 1/12/2018 đến ngày 30/4/2019 (3.965 người dân, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ cấp sở ngành, 6.340 ở cấp quận, huyện và 2.154 ở cấp phường, xã, thị trấn).

Kết quả khảo sát cho thấy, ở cấp sở ngành thành phố, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng với thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công đạt từ 80% trở lên. Đa số người dân, doanh nghiệp phải đi lại tối thiểu 2 lần để hoàn thành thủ tục hành chính. Mặt khác, để phát hiện và đo lường mức độ nhũng nhiễu, tham nhũng vặt hoặc làm trái quy định pháp luật của cán bộ, công chức, MTTQ thành phố đã tiến hành khảo sát vấn đề này. Trong số 3.965 cuộc khảo sát, đã ghi nhận 25 trường hợp người dân cho biết có nộp tiền cho công chức mà không có phiếu thu, chiếm tỷ lệ 0,6%.

Còn ở cấp Ủy ban Nhân dân quận, huyện, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng đều đạt tỷ lệ từ 80% trở lên. Người dân phải đi lại trung bình không dưới 2 lần, có nơi từ 3-4 lần mới hoàn thành thủ tục hành chính. Về việc minh bạch tài chính, trong số 6.268 cuộc khảo sát, có 51 trường hợp người dân cho biết có nộp tiền cho công chức mà không có phiếu thu, chiếm tỷ lệ 0,8%.

“Tỷ lệ 0,8 % là con số không lớn nhưng là thông tin để Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tham khảo, rà soát lại các khâu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiều người dân và doanh nghiệp,” bà Tô Thị Bích Châu lưu ý.

Ở cấp Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn, có 103/105 đơn vị được chọn khảo sát, đạt tỷ lệ hài lòng của người dân từ 80% trở lên. Số lần đi lại trung bình của người dân tại 105 đơn vị xã, phường thì nhóm có số lần đi lại trung bình từ 1-1,95 lần chiếm tỷ lệ 70,4%, nhóm có số lần đi lại trung bình từ 2-3,76 lần chiếm tỷ lệ 27,6%.

Việc khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một kênh thông tin quan trọng phản ánh khách quan, trung thực và định lượng các ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Qua đó giúp cho chính quyền các cấp thành phố khắc phục những tồn tại hạn chế và phấn đấu ngày càng cải thiện nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục