Sáng 29/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố và đưa vào hoạt động Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội và Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022.
Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội (Dashboard kinh tế-xã hội) có các nhóm chỉ tiêu áp dụng ở cấp thành phố, quận, huyện, sở, ngành, chia thành 20 nhóm lĩnh vực với 110 chỉ tiêu cụ thể. Thông tin được phân loại theo tháng, quý, năm, các nhóm, chỉ tiêu và trình diễn dưới dạng đồ thị, biểu đồ, hình ảnh minh họa infographic.
Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua hệ thống này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố có thể đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để đưa ra định hướng, quyết định và hành động phù hợp. Hệ thống cũng được phân quyền về sở, ngành, quận, huyện, giúp các cấp có thể nắm bắt tổng quan về tình hình phát triển của địa phương, đơn vị.
Trong khi đó, Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022 sẽ cung cấp thông tin, tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị dưới dạng biểu đồ nhiệt, bản đồ GIS thành phố và các khối biểu đồ cột, biểu đồ tròn.
[Xây dựng đô thị thông minh TP Hồ Chí Minh: Dấu ấn trong tâm dịch]
Thông tin được thể hiện theo từng lĩnh vực, đơn vị xử lý (quận, huyện, xã, phường), giúp trực quan hóa tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân. Hệ thống giúp lãnh đạo thành phố và các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị; theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề nghị Sở Thông tin và Truyền thống phối hợp các đơn vị hoàn thiện hệ thống, bổ sung thêm chức năng mới tạo thành hệ sinh thái, trên tinh thần phục vụ người dân và giúp sở, ngành, quận huyện nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Sự “sống còn” của Hệ thống là dữ liệu nên các sở, ngành, quận, huyện thường xuyên cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng thời phải đảm bảo an toàn thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông tham vấn chuyên gia, có lộ trình hướng đến cập nhật dữ liệu tự động.
Cuối năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Đề án đô thị thông minh. Tháng 4/2019, thành phố đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC).
Trong giai đoạn đầu, thành phố đã triển khai xây dựng các hệ thống thành phần như kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát; hệ thống bản đồ số và GIS; hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115; trung tâm quản lý thông tin; cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức (Cổng thông tin 1022)./.