Ngày 25/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp với đại diện ngành nông nghiệp của 7 địa phương lân cận về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh tham dự cuộc họp gồm Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An đã đề xuất các giải pháp để phòng chống dịch cúm gia cầm.
Ông Mai Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết đến nay đã có thêm 3 địa phương là Phú Thọ, Bình Định, Trà Vinh xuất hiện ổ dịch. Như vậy, cả nước có 20 tỉnh, thành phố có ổ dịch với 65 ổ dịch, trên 60.000 con gia cầm bị bệnh và được tiêu hủy. Để làm tốt công tác phòng dịch trong khu vực, các địa phương phải xác định cụ thể việc phối hợp, chia sẻ thông tin, từ đó tăng độ tin tưởng lẫn nhau.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực cần kịp thời thông tin tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn giữa các tỉnh trong khu vực, đặc biệt khi xảy ra các ổ dịch tại khu vực giáp ranh để phối hợp phòng chống, tránh trường hợp người dân bán chạy gia cầm bệnh hoặc vứt xác gia cầm bệnh, chết ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh giữa các tỉnh trong khu vực để phối hợp kiểm tra giám sát khi tiếp nhận nguồn gia cầm, thuỷ cầm đưa vào giết mổ.
Ngoài ra, các tỉnh cần tăng cường lấy mẫu giám sát trên đàn gia cầm từ khâu chăn nuôi, vận chuyển, đặc biệt là đàn gia cầm, thủy cầm về các cơ sở giết mổ, nhằm đảm bảo nguồn gia cầm an toàn cung cấp cho thị trường, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi…
Đại diện tỉnh Long An cho rằng, để công tác phòng chống dịch tốt, bên cạnh việc phối hợp giữa các lãnh đạo ngành, các kênh thông tin khác như dịch tễ, phòng bệnh, kiểm dịch động vật cần triển khai chặt chẽ hơn. Trong khi đó, đại diện tỉnh Tây Ninh đề xuất cần thông tin nhiều hơn đến người dân các địa phương về công tác phòng dịch. Hiện nay, người dân nhiều nơi ý thức còn kém, vứt gia cầm chết ra đồng, không chôn lấp, khử trùng gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh với dân cư khoảng 10 triệu người nên lượng gia cầm tiêu thu hàng ngày rất lớn, trong đó một lượng không nhỏ được nhập từ các tỉnh, thành về.
Thành phố có một cơ sở giết mổ gia cầm, nguồn gốc nhập từ các tỉnh lân cận, mỗi ngày cơ sở này giết mổ khoảng 60.000-70.000 con gà. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiếp nhận bình quân 42.779 con gà/ngày, 12.126 con vịt/ngày, 1.245 con chim cút/ngày…
Thời gian qua, thành phố đã ký thoả thuận hợp tác với 5 địa phương gồm Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang trong công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm tra, quản lý an toàn thực phẩm trên sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện Chi cục Thú y 21 tỉnh khu vực Đông và Tây Nam bộ đã ký thỏa thuận hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thú y. Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Thảo, việc phối hợp cung cấp thông tin kiểm dịch xuất tỉnh thời gian qua chưa được thường xuyên, kịp thời theo định kỳ hàng tháng./.