Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị của Bộ rà soát quy hoạch, kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, đề xuất các dự án giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, thực hiện đột phá kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát quy hoạch, nghiên cứu, đề xuất các chính sách để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trọng điểm phía Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Các đơn vị cần nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với các dự án như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, trục động lực kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang, ga Bình Triệu…
Cùng với đó, ông Lê Anh Tuấn cũng đề nghị ngành giao thông vận tải thành phố tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số. Đưa vào sử dụng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, Bộ Giao thông Vận tải kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với các bộ, ngành, địa phương khác.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả vai trò Tổ trưởng Tổ điều phối kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua việc thúc đẩy các dự án trọng điểm như mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; đề xuất kéo dài tuyến metro số 1 đến tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
[Khó khăn trong triển khai dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ trưởng để kết nối 8 trung tâm chức năng của thành phố Thủ Đức như Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái-Khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ.
“Phải làm cho Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng có sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, để người dân nhận thấy cuộc sống của mình có chuyển biến tốt hơn, đó là mục tiêu hàng đầu của Sở Giao thông Vận tải trong năm 2021,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối liên vùng, kết nối khu-cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển; các dự án hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông-thành phố Thủ Đức, các dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường sắt đô thị và hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, kết nối vùng, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai đầu tư đường vành đai 3 ngay từ đầu năm 2021, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị đầu tư cho tuyến đường vành đai 4 trong giai đoạn 2021-2025.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trực thuộc Sở./.