​TP.HCM: Phấn đấu gia tăng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, phấn đấu cải thiện điểm đối với 8 chỉ số PAPI so với năm 2020.
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Cả hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không vì thế mà thành phố lơ là, gián đoạn hoạt động của nền hành chính công.

Đáng chú ý, song song với phòng, chống dịch, thành phố tiếp tục cải thiện các chỉ số cải cách hành chính trong đó có Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 là năm “Thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Theo đó, trong 4 tháng còn lại của năm 2021, thành phố phấn đấu cải thiện điểm đối với 8 chỉ số PAPI so với năm 2020.

Cụ thể, thành phố phấn đấu chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 4,45 điểm), chỉ số “công khai, minh bạch” đạt trên 6,5 điểm (năm 2020 đạt 5,35 điểm), chỉ số “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 4,8 điểm), chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt trên 6,5 điểm (năm 2020 đạt 6,36 điểm).

Trong khi đó chỉ số “cung ứng dịch vụ công” phấn đấu đạt trên 7,8 điểm (năm 2020 đạt 7,37 điểm), chỉ số “quản trị môi trường” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 2,82 điểm) và chỉ số “quản trị điện tử” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 3,46 điểm)...

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố thông tin minh bạch về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, khoản đóng góp của người dân khi thực hiện các dự án “Nhà nước và nhân dân cùng làm;” công khai và thực hiện đúng quy định về chính sách hỗ trợ xã hội cho hộ nghèo, nhất là đối với khoản hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Thành phố tiếp tục ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định đối với vi phạm về quản lý tài chính, tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất hiện hành, mức giá đền bù khi thu hồi đất. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xức trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Đối với việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, chính quyền các cấp phối hợp, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó là chống lãng phí, tham nhũng trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, thủ tục hành chính, tài chính.

Về giải quyết thủ tục hành chính, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, không để tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính.

[Chỉ số PAPI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương qua 5 năm]

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức rà soát những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính theo phạm vi lĩnh vực phụ trách, đề ra giải pháp khắc phục; thực hiện nghiêm kết luận thanh tra và khắc phục hạn chế đã được chỉ ra về các kiến nghị xử lý tài chính, về công tác quản lý tài chính kế toán của Kiểm toán Nhà nước.

Để cải thiện chỉ số “quản trị môi trường,” “quản trị điện tử,” thành phố thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tiếng ồn tại cộng đồng dân cư; đảm bảo tiến độ đề án xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

(Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Không chỉ cải thiện chỉ số PAPI, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính năm 2021 trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp nhận và xử lý triệt để phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức cũng như biểu dương nhân rộng cách làm hay, hiệu quả.

Các nội dung kiểm tra tập trung vào cấp phép xây dựng, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện Thư xin lỗi, áp dụng quy trình nội bộ đã được phê duyệt…

Thời gian kiểm tra sẽ được quyết định cụ thể căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, thành phố đã ban hành Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021.

Thành phố chỉ đạo thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trong thời gian cao điểm chống dịch, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin đồng thời kiểm tra liên ngành về bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc và công tác phòng, chống dịch.

Từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã tổ chức lại 6 cơ quan báo chí, hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương về thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; thực hiện ủy quyền cho các sở, ngành, quận huyện về lĩnh vực tài nguyên nước, duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thành phố phê duyệt tinh giản biên chế đối với 457 trường hợp, thực hiện mô hình “Trường học thông minh, trường học không dùng tiền mặt.”

Thành phố cũng đã cung cấp 825/1.809 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 45,6%), xây dựng bản đồ số COVID-19…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục