TP.HCM: Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng Việt

Đẩy mạnh xúc tiến hàng hóa ra thị trường khu vực ASEAN, đưa hàng nội địa vào kênh bán lẻ hiện đại là những giải pháp của các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giảm áp lực đơn hàng.
TP.HCM: Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng Việt ảnh 1Gia công hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ, ngành, nhiều hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang không ngừng nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Theo chuyên gia, những chương trình hành động thiết thực này, không chỉ giúp đơn vị sản xuất kinh doanh giải quyết áp lực đơn hàng, duy trì hoạt động... mà còn tăng cường quảng bá, tăng sự nhận diện của hàng Việt trên thị trường nội địa và quốc tế.

Xuất khẩu hàng Việt ra thị trường khu vực

Cuối tháng 5/2023 vừa qua đoàn, gồm 33 doanh nghiệp Việt Nam đã đi cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tham gia hội chợ quốc tế Thaifex Anuga Asia 2023 (Thaifex 2023) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Qua đó, nhiều khách quốc tế quan tâm đến hàng Việt như sốt gia vị Trí Kiên, tương ớt Spice, bánh dừa nướng Đã Nẵng... vì mỗi sản phẩm đều mang tính đặc thù địa phương, thể hiện được thuần về tài nguyên bản địa, có tiêu chuẩn chất lượng, nhất là thông tin trên bao bì.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt mang theo cho thấy đáp ứng thị hiếu tiêu dùng chú trọng sức khỏe, bảo vệ tài nguyên, môi trường... nên được khách quốc tế chú ý.

Trong số đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng trong khu vực châu Á thông qua đa dạng hoạt động kết nối thị trường tại hội chợ này.

[Đơn hàng giảm kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đi xuống]

Hơn thế nữa, một số sản phẩm của doanh nghiệp Việt cũng có những nhà mua hàng sẵn sàng đàm phán mua với số lượng lớn nếu đáp ứng đủ điều kiện của họ trong thời gian tới.

Tham gia Thaifex 2023 còn là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt khảo sát thị trường, xu hướng sản phẩm mới, công nghệ máy móc hiện có trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), bên cạnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu.

Về phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Ngân, Tổng giám đốc công ty CP DannyGreen chia sẻ, nắm bắt xu hướng thực phẩm hữu cơ là một trong những xu hướng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống tại châu Á, nên doanh nghiệp giới thiệu phong phú dòng sản phẩm từ nông sản Việt Nam khi tham dự Thaifex 2023.

Chính vì vậy, gian hàng DannyGreen thu hút sự quan tâm của đối tác, khách hàng tiềm năng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến từ Trung Đông, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia...

Còn anh Phạm Đình Ngãi, CEO & Founder Mật hoa dừa Sokfarm, cho biết năm 2022 tham gia Thaifex gặp được nhiều khách hàng, đối tác tiềm năng nên lần này doanh nghiệp tham gia tiếp Thaifex 2023 để phát triển thêm thị trường mới. Cụ thể, Mật hoa dừa Sokfarm giới thiệu hai dòng sản phẩm chủ lực là mật hoa dừa cô đặc và nước tương từ mật hoa dừa.

Liên quan đến hàng Việt xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, đánh giá hàng Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường Thái Lan dù một số ngành, sản phẩm Việt Nam đủ tốt, chất lượng chấp nhận được và giá cạnh tranh là do câu chuyên về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chưa được chú trọng thông tin hay thậm chí không hề được kể đến với khách hàng.

Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó có không ít sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được thế giới công nhận, nên trong truyền thông, giới thiệu cần lan tỏa được câu chuyện về sản phẩm, con người, vùng đất cho khách hàng rõ, bán cho ai, bán như thế nào.

Ông Nguyễn Thành Huy cho rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các mọi cơ hội kể câu chuyện về những vùng nguyên liệu quý của mỗi doanh nghiệp để tạo ra những dấu ấn riêng cho sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp có thể thâm nhập thị trường ngách, tạo ra một bản sắc riêng, ghi dấu ấn cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường nước ngoài.

Đưa hàng nội địa vào bán lẻ hiện đại

Tại thị trường nội địa, nhiều hệ thống bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường kết nối cung-cầu, cung ứng sản phẩm của các tỉnh, thành đến với người tiêu dùng.

TP.HCM: Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng Việt ảnh 2Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ sản phẩm của Tây Ninh với hơn 20 đơn vị sản xuất kinh doanh đặc sản Tây Ninh, gồm hàng trăm mặt hàng.

Thông quan hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, sản phẩm đặc sản Tây Ninh sẽ nhanh chóng được phân phối đến tận tay người tiêu dùng cả nước.

Song song đó, Saigon Co.op và sở, ngành, doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh sẽ tạo nền tảng nhân rộng hoạt động kết nối bao tiêu sản phẩm thành mô hình phối hợp thường xuyên, góp phần hình thành đa dạng chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng bền vững.

Ngoài ra, Saigon Co.op và sở, ngành tỉnh Tây Ninh cũng kết hợp, vận động doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp mặt hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tốt, công nghệ tiên tiến... tham gia kết nối mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Hướng đến mục tiêu này, Saigon Co.op sẽ khai thác triệt để cầu nối xuất khẩu là đối tác chiến lược NTUC FairPrice, tiến đến đưa đặc sản Tây Ninh ra thị trường quốc tế chứ không chỉ phục vụ thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho hay Saigon Co.op luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ phát triển hàng Việt trong hoạt động kinh doanh.

Ngay từ đầu năm 2023, Saigon Co.op đã chủ động kết hợp cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa nội địa.

Hoạt động này, cũng hỗ trợ đắc lực trong quy hoạch vùng nguồn nguyên liệu, phát huy thế mạnh của địa phương theo quy hoạch kinh tế chung của các tỉnh, thành và cả nước.

Mặt khác, đây cũng là hoạt động thiết thực phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể của Saigon Co.op trong gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm nội địa; thúc đẩy không ngừng nâng cao chuẩn mực hàng hóa, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về phía địa phương, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ ra rằng sự kiện ký kết cung ứng sản phẩm hàng hóa giữa doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh Tây Ninh với Saigon Co.op là bước khởi đầu và trong thời gian tiếp theo cần lan tỏa tinh thần và phương thức sản xuất mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, hướng đến chiến lược phát triển nông nghiệp sạch.

Cộng đồng doanh nghiệp và nhà bán lẻ chung tay nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương sẽ góp phần để Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục