Thời gian gần đây, vấn đề tái cấu trúc kinh tế được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và tập trung lấy ý kiến xây dựng phương án thực hiện.
Tại cuộc họp với 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực, tổ chức ngày 25/4 bàn về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết, để tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết cần tập trung vào 3 lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và ngân hàng.
Yêu cầu cấp thiết
Theo Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu tái cấu trúc kinh tế đang đặt ra bức thiết bởi mặc dù thời gian qua thành phố có mức tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng lại thấp, chủ yếu theo chiều rộng, tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng vốn đầu tư và tăng lao động. Trong khi đó, năng suất lao động còn khá thấp và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
So sánh năng suất lao động với các nước trong khu vực, Indonesia là 4.539 USD/lao động/năm; Nhật Bản 76.606 USD/lao động/năm; Malaysia 16.076 USD/lao động/năm; Philippines với 4.482 USD/lao động/năm; Singapore 71.129 USD/lao động/năm; Thái Lan 6.651 USD/lao động/năm, thì Việt Nam chỉ ở mức 2.071 USD/lao động/năm, riêng Thành phố Hồ Chí Minh khá hơn là 5.133 USD/lao động/năm. Như vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tăng số lượng lao động, tạo nên áp lực về gia tăng lao động nhập cư.
Hơn nữa, hiện việc sử dụng các nguồn lực vốn, lao động, đất đai của thành phố chưa hiệu quả, hiệu quả đầu tư thấp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công. Phân tích của Viện nghiên cứu phát triển cho thấy, khi vốn đầu tư của thành phố tăng lên 1% thì GDP chỉ tăng lên 0,11%, hiệu quả mang lại khá thấp và để đạt tốc độ tăng trưởng đòi hỏi phải huy động nhiều vốn đầu tư.
So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế so sánh, tuy nhiên năng lực cạnh tranh một số lĩnh vực lại đang giảm dần. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 và 2011 cho thấy, thành phố có thế mạnh về thị trường tiêu thụ, chi phí lao động và chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng tốt nhưng việc tiếp cận đất đai lại rất khó khăn khiến các nhà đầu tư ái ngại. Đặc biệt, trong sản xuất, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất có xu hướng giảm, nhất là các ngành công nghiệp và xây dựng; sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp, còn những ngành cho giá trị gia tăng cao lại chiếm tỷ trọng quá thấp…
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình hình nêu trên quan trọng nhất vẫn là cấu trúc kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện không còn phù hợp. Nếu tiếp tục duy trì cấu trúc kinh tế hiện nay sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Điều này đặt ra vấn đề phải tái cấu trúc kinh tế thành phố, đồng thời có những biện pháp quyết liệt và triệt để để thực hiện tái cấu trúc kinh tế.
Các ngành cùng hiến kế
Ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết trong thời điểm hiện nay, quy mô phát triển theo chiều rộng không còn phù hợp mà phải phát triển theo chiều sâu, việc đầu tiên phải làm là quy hoạch về tổng thể kinh tế-xã hội, sau đó là cụ thể từng ngành. Nhưng để triển khai được quy hoạch phải có chính sách để phát triển đi kèm thì mới khả thi được.
Phân tích sâu hơn về yêu cầu tái cấu trúc trong một doanh nghiệp Nhà nước, ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho rằng trước năm 2010 tăng trưởng 15%/năm, nhưng từ 2011 đến nay tốc độ tăng trưởng giảm nhiều. Với yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp, thực tế trong 1.200 tỷ đồng vốn thì có tới 60% lượng vốn sử dụng không hiệu quả.
Riêng dự án Cảng Phú Định đang bị kẹt 300 tỷ đồng mà không có đồng lãi nào; vận tải công cộng Saigon Bus đầu tư 200 tỷ đồng, nhưng hầu như không có lãi, năm nhiều nhất chỉ 10 tỷ đồng. Các dự án đầu tư khác như Saigonship không hiệu quả, Công ty sản xuất đóng tàu An Phú cũng không hiệu quả, chưa bao giờ đóng được chiếc tàu nào… Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là phải tái cấu trúc để phát triển hiệu quả nguồn lực đã đầu tư.
Ông Tài lo ngại, ở những mảng làm ăn được như Bến xe miền Tây vốn điều lệ 25 tỷ đồng nhưng lãi 60 tỷ đồng/năm. Bến xe miền Đông hoạt động cũng khá thành công, nhưng trong tương lai thành phố sẽ di dời hai bến này ra xa, việc hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm nhiều. Việc tái cấu trúc đang được Samco triển khai, ở lĩnh vực sản xuất ôtô đang liên doanh với Mercedes, Isuzu.
Ông Tài cho rằng không nên cố làm nội địa hóa 100-200 chiếc xe mà nên nội địa hóa một số thiết bị, nhập khẩu các thiết bị khác về lắp ráp sẽ hợp với điều kiện kinh tế và thị trường hiện nay hơn.
Trước tình trạng 600 tỷ đồng đầu tư không có lãi, ông Tài cho biết Samco dự kiến thoái vốn với một số doanh nghiệp, rà soát quy hoạch để sắp xếp lại cho phù hợp. Còn với các chính sách hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Tài kiến nghị Nhà nước phải quy hoạch lại từng ngành hàng, từng sản phẩm cho phù hợp, đồng thời nên có chính sách lâu dài, ít nhất phải trong 10 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Một đại diện doanh nghiệp khác cũng nhấn mạnh muốn tái cấu trúc kinh tế, thành phố phải xem đầu tư công đã hiệu quả chưa, đã mở cửa trải thảm đỏ với các nhà đầu tư chưa. Việc cần thiết hiện nay là phải có quỹ đất để đón doanh nghiệp, sau đó mới cần đến vốn; đồng thời, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất phải xem lại rõ ràng. Thành phố nên làm những việc cần làm ngay, chữa ngay những cái đang làm dở, thiết thực hơn với đời sống kinh tế-xã hội.
Đại diện cho ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết hiện nay giá trị gia tăng của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) đạt trên 60-70%, thâm dụng vốn ít. Ví dụ Công ty Misa vốn thành lập 5 tỷ đồng, nhưng doanh thu tới 180 tỷ đồng. Có thể nói vốn của doanh nghiệp này là con người.
Ông Dũng cho biết hầu hết các doanh nghiệp IT yếu tố đầu vào rất thấp, hiệu quả cao nhưng hiện đứng trước thách thức về nhân lực quản lý, hiện trình độ quản lý của các công ty IT rất yếu và thiếu. Vì vậy, ông Dũng cho rằng các chương trình nhân lực của thành phố cần giải quyết được điều này mới thu hút được các nhà đầu tư công nghệ cao nước ngoài vào.
Về tái cấu trúc kinh tế, ông Dũng nhận định, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho doanh nghiệp đẩy mạnh được vấn đề này, nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dừng ở email, webside. Thành phố đã trích quỹ khoa học công nghệ nhưng trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ rất cần được vay ưu đãi để đầu tư mà quỹ khoa học công nghệ thì chưa đủ. Đặc biệt, trong cơ cấu khuyến khích phát triển, thành phố nên kiên định, dứt khoát công bố những ngành nào được ưu tiên phát triển, ngành nào không khuyến khích nữa.
Ông Dũng cũng kiến nghị thành phố nên cho các nhà đầu tư dùng nguồn lực của mình để xây dựng cơ sở vật chất, sau khi có nguồn thu doanh nghiệp sẽ trả dần tiền sử dụng đất cho Nhà nước, nếu bắt doanh nghiệp trả luôn một lượng tiền sử dụng đất lớn ngay từ đầu sẽ đẩy nhà đầu tư vào thế vô cùng khó khăn trong bối cảnh thiếu vốn trầm trọng.
Trước những phân tích sát thực của doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hà cho biết trong tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công ở Thành phố Hồ Chí Minh rất khó cắt giảm mà chỉ đặt mục tiêu là muốn đầu tư hiệu quả hơn. Thành phố thiếu nhiều kinh phí đầu tư cho hạ tầng giáo dục, y tế… những lĩnh vực không thể hạn chế được mà chỉ có phân bố lại cho hiệu quả hơn thôi.
Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh rằng cải cách hành chính cũng là một trong những nội dung căn bản trong đề án tái cấu trúc. Thực tế việc cải cách đang được đẩy mạnh, tuy nhiên người dân và doanh nghiệp vẫn rất khó hưởng lợi từ chương trình cải cách này.
Để tái cấu trúc kinh tế, vấn đề hiện nay là phải định hình cấu trúc đó là gì, khiếm khuyết ở đâu mới có thể đưa ra biện pháp thực hiện tái cấu trúc. Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách đi vào thực tế nhanh, chứ cứ chung chung thì doanh nghiệp khó thụ hưởng được như mục tiêu đề ra./.
Tại cuộc họp với 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực, tổ chức ngày 25/4 bàn về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết, để tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết cần tập trung vào 3 lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và ngân hàng.
Yêu cầu cấp thiết
Theo Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu tái cấu trúc kinh tế đang đặt ra bức thiết bởi mặc dù thời gian qua thành phố có mức tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng lại thấp, chủ yếu theo chiều rộng, tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng vốn đầu tư và tăng lao động. Trong khi đó, năng suất lao động còn khá thấp và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
So sánh năng suất lao động với các nước trong khu vực, Indonesia là 4.539 USD/lao động/năm; Nhật Bản 76.606 USD/lao động/năm; Malaysia 16.076 USD/lao động/năm; Philippines với 4.482 USD/lao động/năm; Singapore 71.129 USD/lao động/năm; Thái Lan 6.651 USD/lao động/năm, thì Việt Nam chỉ ở mức 2.071 USD/lao động/năm, riêng Thành phố Hồ Chí Minh khá hơn là 5.133 USD/lao động/năm. Như vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tăng số lượng lao động, tạo nên áp lực về gia tăng lao động nhập cư.
Hơn nữa, hiện việc sử dụng các nguồn lực vốn, lao động, đất đai của thành phố chưa hiệu quả, hiệu quả đầu tư thấp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công. Phân tích của Viện nghiên cứu phát triển cho thấy, khi vốn đầu tư của thành phố tăng lên 1% thì GDP chỉ tăng lên 0,11%, hiệu quả mang lại khá thấp và để đạt tốc độ tăng trưởng đòi hỏi phải huy động nhiều vốn đầu tư.
So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế so sánh, tuy nhiên năng lực cạnh tranh một số lĩnh vực lại đang giảm dần. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 và 2011 cho thấy, thành phố có thế mạnh về thị trường tiêu thụ, chi phí lao động và chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng tốt nhưng việc tiếp cận đất đai lại rất khó khăn khiến các nhà đầu tư ái ngại. Đặc biệt, trong sản xuất, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất có xu hướng giảm, nhất là các ngành công nghiệp và xây dựng; sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp, còn những ngành cho giá trị gia tăng cao lại chiếm tỷ trọng quá thấp…
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình hình nêu trên quan trọng nhất vẫn là cấu trúc kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện không còn phù hợp. Nếu tiếp tục duy trì cấu trúc kinh tế hiện nay sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Điều này đặt ra vấn đề phải tái cấu trúc kinh tế thành phố, đồng thời có những biện pháp quyết liệt và triệt để để thực hiện tái cấu trúc kinh tế.
Các ngành cùng hiến kế
Ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết trong thời điểm hiện nay, quy mô phát triển theo chiều rộng không còn phù hợp mà phải phát triển theo chiều sâu, việc đầu tiên phải làm là quy hoạch về tổng thể kinh tế-xã hội, sau đó là cụ thể từng ngành. Nhưng để triển khai được quy hoạch phải có chính sách để phát triển đi kèm thì mới khả thi được.
Phân tích sâu hơn về yêu cầu tái cấu trúc trong một doanh nghiệp Nhà nước, ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho rằng trước năm 2010 tăng trưởng 15%/năm, nhưng từ 2011 đến nay tốc độ tăng trưởng giảm nhiều. Với yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp, thực tế trong 1.200 tỷ đồng vốn thì có tới 60% lượng vốn sử dụng không hiệu quả.
Riêng dự án Cảng Phú Định đang bị kẹt 300 tỷ đồng mà không có đồng lãi nào; vận tải công cộng Saigon Bus đầu tư 200 tỷ đồng, nhưng hầu như không có lãi, năm nhiều nhất chỉ 10 tỷ đồng. Các dự án đầu tư khác như Saigonship không hiệu quả, Công ty sản xuất đóng tàu An Phú cũng không hiệu quả, chưa bao giờ đóng được chiếc tàu nào… Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là phải tái cấu trúc để phát triển hiệu quả nguồn lực đã đầu tư.
Ông Tài lo ngại, ở những mảng làm ăn được như Bến xe miền Tây vốn điều lệ 25 tỷ đồng nhưng lãi 60 tỷ đồng/năm. Bến xe miền Đông hoạt động cũng khá thành công, nhưng trong tương lai thành phố sẽ di dời hai bến này ra xa, việc hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm nhiều. Việc tái cấu trúc đang được Samco triển khai, ở lĩnh vực sản xuất ôtô đang liên doanh với Mercedes, Isuzu.
Ông Tài cho rằng không nên cố làm nội địa hóa 100-200 chiếc xe mà nên nội địa hóa một số thiết bị, nhập khẩu các thiết bị khác về lắp ráp sẽ hợp với điều kiện kinh tế và thị trường hiện nay hơn.
Trước tình trạng 600 tỷ đồng đầu tư không có lãi, ông Tài cho biết Samco dự kiến thoái vốn với một số doanh nghiệp, rà soát quy hoạch để sắp xếp lại cho phù hợp. Còn với các chính sách hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Tài kiến nghị Nhà nước phải quy hoạch lại từng ngành hàng, từng sản phẩm cho phù hợp, đồng thời nên có chính sách lâu dài, ít nhất phải trong 10 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Một đại diện doanh nghiệp khác cũng nhấn mạnh muốn tái cấu trúc kinh tế, thành phố phải xem đầu tư công đã hiệu quả chưa, đã mở cửa trải thảm đỏ với các nhà đầu tư chưa. Việc cần thiết hiện nay là phải có quỹ đất để đón doanh nghiệp, sau đó mới cần đến vốn; đồng thời, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất phải xem lại rõ ràng. Thành phố nên làm những việc cần làm ngay, chữa ngay những cái đang làm dở, thiết thực hơn với đời sống kinh tế-xã hội.
Đại diện cho ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết hiện nay giá trị gia tăng của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) đạt trên 60-70%, thâm dụng vốn ít. Ví dụ Công ty Misa vốn thành lập 5 tỷ đồng, nhưng doanh thu tới 180 tỷ đồng. Có thể nói vốn của doanh nghiệp này là con người.
Ông Dũng cho biết hầu hết các doanh nghiệp IT yếu tố đầu vào rất thấp, hiệu quả cao nhưng hiện đứng trước thách thức về nhân lực quản lý, hiện trình độ quản lý của các công ty IT rất yếu và thiếu. Vì vậy, ông Dũng cho rằng các chương trình nhân lực của thành phố cần giải quyết được điều này mới thu hút được các nhà đầu tư công nghệ cao nước ngoài vào.
Về tái cấu trúc kinh tế, ông Dũng nhận định, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho doanh nghiệp đẩy mạnh được vấn đề này, nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dừng ở email, webside. Thành phố đã trích quỹ khoa học công nghệ nhưng trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ rất cần được vay ưu đãi để đầu tư mà quỹ khoa học công nghệ thì chưa đủ. Đặc biệt, trong cơ cấu khuyến khích phát triển, thành phố nên kiên định, dứt khoát công bố những ngành nào được ưu tiên phát triển, ngành nào không khuyến khích nữa.
Ông Dũng cũng kiến nghị thành phố nên cho các nhà đầu tư dùng nguồn lực của mình để xây dựng cơ sở vật chất, sau khi có nguồn thu doanh nghiệp sẽ trả dần tiền sử dụng đất cho Nhà nước, nếu bắt doanh nghiệp trả luôn một lượng tiền sử dụng đất lớn ngay từ đầu sẽ đẩy nhà đầu tư vào thế vô cùng khó khăn trong bối cảnh thiếu vốn trầm trọng.
Trước những phân tích sát thực của doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hà cho biết trong tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công ở Thành phố Hồ Chí Minh rất khó cắt giảm mà chỉ đặt mục tiêu là muốn đầu tư hiệu quả hơn. Thành phố thiếu nhiều kinh phí đầu tư cho hạ tầng giáo dục, y tế… những lĩnh vực không thể hạn chế được mà chỉ có phân bố lại cho hiệu quả hơn thôi.
Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh rằng cải cách hành chính cũng là một trong những nội dung căn bản trong đề án tái cấu trúc. Thực tế việc cải cách đang được đẩy mạnh, tuy nhiên người dân và doanh nghiệp vẫn rất khó hưởng lợi từ chương trình cải cách này.
Để tái cấu trúc kinh tế, vấn đề hiện nay là phải định hình cấu trúc đó là gì, khiếm khuyết ở đâu mới có thể đưa ra biện pháp thực hiện tái cấu trúc. Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách đi vào thực tế nhanh, chứ cứ chung chung thì doanh nghiệp khó thụ hưởng được như mục tiêu đề ra./.
Liên Phương (TTXVN)