TP.HCM nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thanh kiểm tra thực phẩm được chú trọng nhằm nỗ lực “gác cửa,” không để thực phẩm không đảm bảo an toàn xuất hiện trên thị trường.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra các quầy hàng thịt lợn tại Chợ đầu mối Hóc Môn. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Càng đến gần Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vấn đề an toàn thực phẩm lại càng được người dân quan tâm hơn bao giờ hết. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thanh kiểm tra vì thế cũng được chú trọng nhằm nỗ lực “gác cửa,” không để thực phẩm không đảm bảo an toàn xuất hiện trên thị trường.

Kiểm soát chặt từ “cửa ngõ”

Chợ nông sản Thủ Đức - nơi cung cấp rau, củ, quả cho toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cận Tết dường như tấp nập hơn thường lệ. Vào 0 giờ, thời điểm lượng hàng đổ về chợ mỗi lúc một nhiều cũng là lúc Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 2 (quản lý địa bàn Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) bắt đầu làm việc.

Mỗi người một việc, nhân viên Đội quản lý an toàn thực phẩm tỏa đi khắp các sạp của từng tiểu thương, kiểm tra hóa đơn chứng từ nhập hàng, lấy mẫu kiểm nghiệm từng loại rau, củ, quả… Đến khi tất cả an toàn mới cho phép xuất bán ra thị trường.

“Bình thường mỗi đêm chỉ khoảng 3.500 tấn thực phẩm về chợ nhưng những ngày Tết lên đến 6.000-6.500 tấn rau, củ, quả nhập về khiến chúng tôi cũng phải căng mình mới có thể kiểm soát được,” một nhân viên Đội quản lý an toàn thực phẩm số 2 cho biết.

Cùng thời điểm này, Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 10 (phụ trách quản lý chợ đầu mối Bình Điền) phải tung hết 100% quân số để kiểm soát từng lô hàng thịt lợn, thủy hải sản về chợ. Đáng chú ý, năm nay do nguồn cung thịt lợn khan hiếm đã xuất hiện tình trạng thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng trà trộn về chợ Bình Điền.

Ông Đoàn Văn Nhứt, Đội trưởng Đội quản lý an toàn thực phẩm số 10 cho biết, hầu như đêm nào đơn vị này cũng phát hiện thịt lợn không đảm bảo chất lượng được đưa về chợ Bình Điền và ngay lập tức đã bị tịch thu, tiêu hủy. Tuy nhiên, con số này không đáng kể so với lượng thịt lợn về chợ mỗi đêm.

Ngoài ra, Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 10 cũng chú ý phát hiện, ngăn chặn kịp thời các gian lận khác như bơm nước vào thịt lợn, lợn bệnh trà trộn vào chợ.

“Ngăn chặn từ cửa ngõ, kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đổ về từ các chợ đầu mối là đã có thể kiểm soát tốt được 80% thực phẩm cung cấp cho Thành phố. Do đó, người dân có thể yên tâm là phần lớn thực phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chất lượng được đảm bảo,” bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Nhân viên Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện test nhanh mứt Tết bán tại chợ Bình Tây (quận 6) nhằm phát hiện chất bảo quản. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Không chỉ kiểm soát tại 3 chợ đầu mối - nơi cung cấp phần lớn thực phẩm cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, 2 tháng trở lại đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập 30 đoàn kiểm tra nhằm kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

“Trước Tết, chúng tôi đã tập trung nhiều vào việc kiểm tra những nơi tập trung nguyên liệu dự trữ cho Tết, sau đó là những cơ sở sản xuất bánh mứt, kẹo, các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến để chuẩn bị tung ra thị trường Tết. Bắt đầu từ tháng 1/2020 trở đi, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc lưu thông phân phối thực phẩm trên thị trường và chúng tôi xử lý mạnh tay với các vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian này,” bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Song song đó, do nguồn thịt lợn trong nước khan hiếm cộng với nhu cầu sử dụng thực phẩm nhập khẩu của người dân ngày càng cao nên các kho lạnh cũng là nơi được Ban Quản lý an toàn thực phẩm liên tục ghé thăm. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm kho lạnh lưu trữ, bảo quản các loại thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài như thịt, trái cây, hải sản, sữa, các chế phẩm từ sữa… với quy mô từ nhỏ đến lớn.

Việc kiểm tra các kho lạnh là việc làm cần thiết và được Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thực hiện thường xuyên bởi đây là nơi trung chuyển thực phẩm trước khi phân phối đến người tiêu dùng.

“Nếu kho lạnh không bảo quản tốt thực phẩm trong quá trình lưu trữ hoặc để cho thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không đảm bảo chất lượng trà trộn và phân phối ra thị trường thì sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong những thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao như Tết Nguyên đán,” bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Vẫn lo ngại thực phẩm trôi nổi

Chỉ còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hàng Tết đã ngập chợ Xóm Chiếu – chợ truyền thống duy nhất của Quận 4. Chị Lê Thúy Hải, tiểu thương buôn bán mặt hàng mắm, đồ chua, củ kiệu chợ Xóm Chiếu cho biết, từ những ngày cuối tháng 11, chị và gia đình đã tập trung mua nguyên liệu để chuẩn bị hàng Tết. Hiện mỗi ngày chị bán ra thị trường gần 120kg củ kiệu, mắm, đồ chua các loại.

“Vì làm để bỏ mối và bán cho người quen nên vấn đề an toàn thực phẩm mình làm rất kỹ, nguyên liệu cũng phải tuyển hàng loại 1, hàng có nguồn gốc để đảm bảo an toàn. Thỉnh thoảng, lực lượng kiểm tra của chợ và Ban Quản lý an toàn thực phẩm có đến kiểm tra hóa đơn mua bán, lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm nhưng mình tự tin là hàng của mình đảm bảo chất lượng và an toàn,” chị Hải cho hay.

Nhân viên Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra hóa đơn, chứng từ mua bán thực phẩm tại chợ Xóm Chiếu (quận 4). (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bà Nguyễn Phan Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý chợ Xóm Chiếu cho biết, chợ truyền thống vẫn là nơi được người dân “chọn mặt gửi vàng” khi mua sắm thực phẩm Tết, bởi giữa người bán và người mua từ lâu đã có mối quan hệ “quen biết” lẫn nhau. Vì thế, ngoài sự nhắc nhở của Ban quản lý chợ, tiểu thương cũng chủ động, nghiêm túc thực hiện các vấn đề an toàn thực phẩm do lo sợ mất khách.

Tương tự, tại chợ Thủ Đức - chợ thí điểm An toàn thực phẩm của quận Thủ Đức - nơi nổi tiếng với nhiều thực phẩm chế biến sẵn như nem, giò chả, bún… của Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý an toàn thực phẩm luôn túc trực kiểm tra giấy tờ mua bán nguyên liệu, lấy mẫu kiểm nghiệm, thực hiện test nhanh các chất cấm như hàn the, phóc-môn, chất tẩy trắng, phẩm màu…

“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện, Ban Quản lý các chợ truyền thống và hiện nay có thể khẳng định thực phẩm buôn bán ở chợ truyền thống cơ bản đảm bảo an toàn về chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ,” bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.

Tuy nhiên, các chợ tự phát ăn theo chợ truyền thống lại là vấn đề gây không ít đau đầu cho các cơ quan quản lý. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 300 chợ truyền thống thì cũng có chừng ấy chợ tự phát ăn theo, chưa kể hàng ngàn chợ tự phát, điểm bán thực phẩm nhỏ lẻ khác mọc lên tại các khu dân cư, vỉa hè, lề đường… đã tồn tại từ lâu.

Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận: “Dù đã rất nỗ lực nhưng chúng tôi vẫn bất lực trước vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát, điểm bán thực phẩm nhỏ, lẻ ở các vỉa hè, lề đường… Đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ buôn bán các thực phẩm đi vào Thành phố bằng đường tiểu ngạch chưa được kiểm soát.”

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, càng gần đến thời điểm Tết, các loại hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo chất lượng càng có cơ hội trà trộn vào thị trường. Do đó, người dân khi mua sắm Tết cần “tỉnh táo” hơn trong lựa chọn thực phẩm dùng trong những ngày Tết, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi, để hàng gian, hàng giả, hàng không được kiểm soát không còn chỗ đứng trên thị trường, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình trong những ngày Tết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục