TP.HCM: Nợ bảo hiểm xã hội gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19

​Tính đến ngày 31/10, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM còn nợ là 4.327 tỷ đồng (trong đó 2.274 tỷ đồng nợ trên 3 tháng).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 30/11, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Thanh cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội năm 2020 trên địa bàn thành phố đã nhiều hơn và số tiền nợ đọng của doanh nghiệp cũng lớn hơn.

Tính đến ngày 31/10, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà các doanh nghiệp trên địa bàn còn nợ là 4.327 tỷ đồng (trong đó 1.153 tỷ đồng nợ dưới 1 tháng, 2.274 tỷ đồng nợ trên 3 tháng).

Hơn nữa, trong số 2.274 tỷ đồng nợ trên 3 tháng có 523 tỷ đồng là nợ khó đòi (các doanh nghiệp đã giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp bỏ trốn...).

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã thống kê được 325 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên 1 tỷ đồng. Trong số đó có những doanh nghiệp nợ với số tiền lớn như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn nợ 32 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Yujin Vina nợ 23 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam nợ 16 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại Dịch vụ Thiếu Nhi Mới nợ gần 17,5 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Quốc Thanh cho rằng năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các ngành như may mặc, hàng không, dịch vụ nhà hàng-khách sạn… gây ảnh hưởng đến tiến độ đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

[Hà Nội: Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên tới hơn 4.600 tỷ đồng]

Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có các phương án thu hồi nợ đối với các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp nợ 3 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thư mời lên làm việc, lập biên bản yêu cầu doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm xã hội theo đúng thời hạn quy định.

Đối với các đơn vị nợ 6 tháng với mức nợ lớn từ 300 triệu trở lên, cơ quan bảo hiểm xã hội đều đăng tải thông tin trên trang web theo định kỳ; đồng thời tổ chức thanh tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng trốn đóng nợ, hoặc cố tình chậm đóng.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với các doanh nghiệp để lập biên bản đôn đốc thu nợ theo quy định.

Đối với các đơn vị chây ỳ, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị khởi tố về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo điều 216 Bộ luật Hình sự.

Tính đến tháng 10/2020, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển 75 hồ sơ sang cơ quan công an, đề nghị khởi tố 75 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ 152,5 tỷ đồng. Sau khi Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, đã có 4 đơn vị khắc phục hoàn toàn số nợ với số tiền 1,3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác đang chờ cơ quan công an khởi tố theo luật định.

Riêng những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong khi đang nợ bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Cục Hải quan thành phố cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục