TP.HCM: Nhiều phân khúc bất động sản sôi động trở lại

Ở phân khúc thị trường căn hộ bán tại TP.HCM, những tín hiệu tích cực giúp doanh số bán hàng tăng tới 92,2% so với cùng, với khoảng 2.600 căn hộ bán ra trong quý 1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Hải/TTXVN)

Nhiều phân khúc bất động sản của Thành phố Hồ Chí Minh khởi sắc và đã bắt đầu sôi động trở lại sau một thời gian trầm lắng. Đây là những thông tin được Công ty CBRE Việt Nam công bố ngày 1/4 trong báo cáo về thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh trong quý Một năm nay.

Theo CBRE Việt Nam, nền kinh tế dần được phục hồi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đã củng cố niềm tin của người mua về thị trường bất động sản. Lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tháng Ba dẫn đến lãi suất cho vay cũng giảm theo. Điều này đã khuyến khích người dân chuyển tiền sang các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản.

Ở phân khúc thị trường căn hộ bán, những tín hiệu tích cực giúp doanh số bán hàng tăng 9,8% so với quý trước và 92,2% so với cùng kỳ năm trước với khoảng 2.600 căn hộ bán ra trong quý 1, trong đó phân khúc bình dân và cao cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 40,5% và 36,2% tổng doanh thu. Tỷ trọng cao này phần nào cho thấy người mua đang quay trở lại thị trường ở cả phân khúc cao cấp và các phân khúc thấp hơn.

Quý Một cũng đã chứng kiến sự tăng mạnh từ các dự án mới chào bán với sự ghi nhận 1.887 căn hộ được chào bán, tăng mạnh 140% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tất cả các dự án mới chào bán đều là dự án cao cấp và trung cấp. Phân khúc cao cấp chiếm 42,4% trong tổng số căn hộ mới chào bán và đạt tỷ lệ bán khả quan như Green Valley đã bán khoảng 80% căn hộ và Icon56 đã bán hơn 70% căn hộ đã chào ra thị trường.

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, cho biết lần đầu tiên sau nhiều quý, thị trường lại sôi động với các hoạt động giới thiệu dự án. Chủ đầu tư thường giới thiệu các dự án trước một tháng đến hai tháng trước khi chào bán chính thức. Động thái này nhằm mục đính tiếp thị cho dự án và thăm dò phản ứng của thị trường. Một số dự án tiêu biểu bao gồm Galaxy 9, Hưng Ngân Garden và Topaz Garden.

Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ vào các yếu tố hỗ trợ hiện tại. Thông tư 03/2014 được ban hành và các các đề xuất sửa đổi Luật Đất Đai theo hướng minh bạch và bảo vệ người mua với hy vọng tạo thêm niềm tin của họ vào thị trường bất động sản.

Đối với thị thường văn phòng, quý 1/2014 là quý thứ sáu liên tiếp ghi nhận mức tăng giá thuê trung bình trên toàn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh với tốc độ tăng trưởng trung bình 1,5% mỗi quý. Tỷ lệ trống trong quý vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm - đây là quý giảm thứ mười liên tiếp với tốc độ giảm 1,2 điểm phần trăm mỗi quý. So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường văn phòng có sự cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ trống văn phòng hạng A và B vào cuối quý Một giảm 3,3 và 3,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê trung bình cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể khi hạng A tăng 7,6% và hạng B tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia của CBRE, các doanh nghiệp trong nước là nhóm khách thuê tích cực nhất trên thị trường trong quý đầu tiên năm nay, 38% tổng số yêu cầu thuê nhận được là từ các công ty Việt Nam. Con số này cao hơn 9,0 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Những yêu cầu thuê văn phòng cho diện tích lớn hơn 500m2 cũng chiếm tỷ lệ lớn hơn trên tổng số yêu cầu thuê trong quý so với năm 2013 - chiếm 31% tổng số yêu cầu nhận được. Thảo luận về hướng phát triển thị trường, bà Dung cho rằng việc tăng cung tại các khu vực cho thuê mới nổi đã tạo cơ hội mới cho cả khách thuê cũng như nhà đầu tư. Các yếu tố chất lượng và lựa chọn thuê - so với giá thuê và đáy thị trường hiện tại, đã dịch chuyển thị trường ra khỏi khu vực trung tâm thành phố đến các địa điểm mới như quận 3 và quận 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đây phần lớn văn phòng cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn tập trung vào khu vực trung tâm. Tuy nhiên, nhìn vào nguồn cung tương lai, có thể thấy sẽ có rất ít dự án mới được hoàn thành trong khu vực trung tâm. Chỉ có hai tòa nhà chất lượng cao bao gồm MB Sunny Tower và tòa nhà Vietcombank sẽ hoàn thành tại khu vực quận 1 và cung cấp tổng cộng 66.000m2 diện tích sàn văn phòng trong khu vực này. Từ năm 2015, nhiều lựa chọn cho khách thuê hơn sẽ đến từ các khu vực trung tâm mới và đang nổi của thành phố.

Quận 7 sẽ tiếp tục là khu vực phát triển ngoài trung tâm chủ chốt với sự phát triển của khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu vực thương mại lân cận với sự tham gia của Saigon South Place Complex, một dự án phức hợp bao gồm khu văn phòng, trung tâm thương mại SC Vivo City và căn hộ dịch vụ với chủ đầu tư Mapletree đến từ Singapore. Hạng mục văn phòng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm 2016.

Ngoài ra, quận 3 và quận 10 vốn là khu vực tiếp giáp trung tâm thành phố cũng sẽ mang đến cho thị trường hai dự án mới đáng chú ý. Dự án thương mại bán lẻ và văn phòng rộng 20.000m2 Lim Tower 2, quận 3 dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2015. Dự án Khu Trung tâm thương mại và Văn phòng Viettel, một dự án phức hợp độc đáo với đầy đủ các hạng mục, cũng sẽ mang đến cho thị trường thêm 66.000m2 sàn văn phòng tại khu vực tiếp giáp giữa quận 3 và quận 10.

Thị trường bán lẻ của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý đầu tiên năm nay chào đón nguồn cung mới từ trung tâm thương mại Aeon Mall tại quận Tân Phú với 47.000m2 diện tích thực thuê. Khai trương vào tháng Một vừa qua, trung tâm thương mại này được quản lý bởi thương hiệu nổi tiếng từ Nhật Bản và hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.

Aeon đã lôi cuốn được nhiều thương hiệu lớn thuê các mặt bằng chủ chốt như thương hiệu bán lẻ Nhật Bản Japan Selection, Daiso Japan hay thương hiệu giải trí như CGV, Tini Town & Tini World.

Bà Dung nhận xét điều này chứng tỏ vị trí không phải là yếu tố duy nhất tạo nên thành công của một trung tâm thương mại. Aeon Mall tập trung nhiều hơn vào ngành hàng ăn uống đồng thời bố trí xen kẽ với các ngành hàng khác tạo sự thành công trong việc thu hút khách mua sắm ngay cả vào các ngày trong tuần. Một điểm nhấn khác được ghi nhận tại Aeon Mall là sự góp mặt của các thương hiệu Nhật Bản và sản phẩm có giá cả phải chăng.

Giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm không đổi trong năm quý liên tiếp, trong khi giá thuê trung bình tại khu vực ngoài trung tâm tăng. Đối với khu vực ngoài trung tâm, giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại tăng 59,3% so với quý trước và 43,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu vì Aeon Mall có mức giá chào thuê tầng trệt và tầng một cao hơn 256% so với mức trung bình của các trung tâm thương mại ngoài trung tâm.

Trong thảo luận về nguồn cung mới, bà Dung cho biết: "Nguồn cung tương lai tính đến năm 2016 đạt khoảng 120.000m2 cho bảy dự án. Con số này chỉ bằng một phần mười so với nguồn cung của Hà Nội và tôi tin rằng thị trường có khả năng nhanh chóng tiêu thụ nguồn cung này khi mà diện tích thực thuê trong ba năm gần đây của thành phố đạt xấp xỉ 54.000m2."

Ngoài ra, hầu hết các dự án tương lai có diện tích cho thuê dưới 20.000m2, ngoại trừ SC VivoCity, vì vậy với cách bố trí khách thuê phù hợp, không khó để lấp đầy các diện tích này./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục