Thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, do sự thiếu sát sao của một số cơ quan quản lý nhà nước nên tại một số dự án nhà ở, chủ đầu tư chỉ chú trọng xây căn hộ bán thương mại để thu hồi vốn, thu lợi nhuận mà quên đi nghĩa vụ triển khai các hạng mục công trình phục vụ cộng đồng.
Thậm chí, việc hạn chế trong thiết lập và điều chỉnh quy hoạch, làm lợi cho doanh nghiệp đã tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
Làm dự án công viên lại "bỏ quên"… công viên
Tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, hiếm có dự án nhà ở nào có quy mô lớn như dự án Khu Công viên Văn hóa-Du lịch Thể thao phía Nam đường Tạ Quang Bửu, quận 8.
Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2009 nhưng hơn 10 năm qua vẫn đang trong tình trạng dang dở, đặc biệt là khu tái định cư và các hạng mục phục vụ dân sinh, cộng đồng như công viên, thể thao theo quy hoạch được duyệt.
Trong khi đó, hàng trăm căn hộ thương mại đã và đang được chủ đầu tư gấp gáp xây dựng, hoàn thiện và đem bán.
Dự án do Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ Xây dựng kinh doanh nhà Vạn Thái làm chủ đầu tư, có quy mô 15,7ha gồm 3 dự án thành phần là khu chung cư tái định cư (2,04ha), khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp để kinh doanh (4ha) và khu công viên văn hóa (9,6ha).
Theo Ủy ban Nhân dân quận 8, đối với khu công viên văn hóa, chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bồi thường cho người dân.
Đối với khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ, hiện nay chủ đầu tư đang tổ chức thi công rầm rộ.
Cụ thể, block B1 thi công đến tầng 15; block B2 thi công đến tầng 30; block B3, B4, B5 thi công đến tầng 33; block B6, B7 đang hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng; block B8 thi công đến tầng 33. Các hạng mục công cộng trong dự án thành phần này gồm trường tiểu học, công viên cây xanh, hồ bơi chưa thi công xây dựng.
[Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh thu hút các nhà đầu tư]
Trong khi đó, khu chung cư tái định cư đã hoàn tất việc thi công xây dựng và đưa vào sử dụng 4 block, đang hoàn thiện block C1, còn lại block C2 chưa xây dựng.
Đáng chú ý là Khu Công viên Văn hóa-Du lịch Thể thao hiện đang chưa rõ hình hài khi chủ đầu tư chỉ mới bồi thường được 20% tổng diện tích. Thực địa dự án cho thấy khu vực dự kiến làm khu công viên văn hóa đang tồn tại nhiều căn nhà lụp xụp, lợp tôn tạm bợ, dòng kênh ô nhiễm ngập đầy rác.
Người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án đang mong mỏi được di dời để ổn định cuộc sống cũng như có được không gian công cộng sạch sẽ, văn minh.
Đối lập cảnh tượng này là nhiều căn hộ thương mại hạng sang đang được xây cất hoành tráng, trung tâm thương mại mua sắm nhộn nhịp khách hàng. Chưa kể, trên nhiều trang mạng (như trang topazelite.com.vn…) quảng cáo dự án Topaz Elite của Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ xây dựng kinh doanh nhà Vạn Thái (nằm trong tổng thể dự án Khu Công viên Văn hóa-Du lịch Thể thao) với những mỹ từ như “viên ngọc quý nhất trong chuỗi ngọc Topaz của Vạn Thái Land," "tự hào là một trong số ít những dự án có diện tích lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh," "nhà xanh trên đất vàng" kèm theo bảng giá bán căn hộ thấp nhất từ 1,75 tỷ đồng/căn có 2 phòng ngủ…
Để làm rõ các vấn đề liên quan, phóng viên đã liên hệ với chủ đầu tư nhưng không nhận được phản hồi. Trong khi đó, đại diện Ủy ban Nhân dân quận 8 cho hay, nhiều lần trong thời gian dài, Ủy ban Nhân dân quận 8 đã nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư sớm thực hiện dự án công viên, văn hóa du lịch thể thao nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.
"Hợp thức hóa" từ điều chỉnh quy hoạch
Tại thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 783/QĐ-TTg về việc thu hồi 131ha tại phường Bình An, Bình Khánh, An Phú (Quận 2 cũ, nay là thành phố Thủ Đức) để đầu tư xây dựng đồng bộ, thống nhất hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội Khu đô thị An Phú-An Khánh.
Đến năm 2011, Ủy ban Nhân dân quận 2 duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở (Khu D, diện tích 24,7ha) thuộc Khu đô thị An Phú-An Khánh (131ha) do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển và Kinh doanh nhà làm chủ đầu tư (về sau đổi thành Công ty cổ phần Phát triển kinh doanh nhà - HDTC); trong đó, đất công trình công cộng, đất cây xanh, thể dục thể thao, đất giao thông, đất tôn giáo chiếm 58,43%. Tầng cao chung cư cao tối đa 24 tầng, công viên rạch Bà Cả rộng 4,83ha (gồm 4 công viên).
Vào ngày 9/1/2017, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 15/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000, 1/500 và chỉ tiêu dân số dự án Khu đô thị mới An Phú-An Khánh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố kết luận dự án kéo dài nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành một số hạng mục công trình như công viên cây xanh, trường hợp, đường giao thông theo quy hoạch được duyệt. Một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị không còn phù hợp với điều kiện, tình hình sử dụng đất thực tế.
Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch dự án nhưng trên nguyên tắc không làm giảm diện tích của các công trình hạ tầng xã hội (cây xanh, trường học, y tế) và làm gia tăng lớn quy mô dân số của dự án.
Thực hiện chỉ đạo nói trên của Ủy ban Nhân dân Thành phố, Ủy ban Nhân dân quận 2 (cũ) đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, tổ chức lấy ý kiến cư dân.
Thế nhưng, theo phương án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đang lấy ý kiến hiện nay do Ủy ban Nhân dân quận 2 (cũ) thực hiện, chiều rộng tuyến kênh rạch Bà Cả bị bóp lại chỉ còn 15-55m thay vì 24-35m như trong đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được lập năm 2011.
Đối với đất công viên Khu A, chủ đầu tư đề xuất hoán đổi diện tích 1ha thành 92 nền đất, đồng thời hoán đổi diện tích 3 lô đất ký hiệu AC9, A15, CXdc4 (gần 9.500m2) sang đất công viên cây xanh. Đối với chiều cao chung cư, chủ đầu tư đề xuất tăng lên từ 30-40 tầng đối với Khu E, lô CT8, lô CT7, lô CT5, lô CT6.
Trong khi đó, các phương án điều chỉnh này không nhận được sự đồng tình của cộng đồng dân cư, thậm chí người dân phản ứng gay gắt, phản đối việc chủ đầu tư Khu đô thị An Phú-An Khánh lấy đất công viên phân lô bán nền, đề nghị giữ lại quy hoạch đã được Thủ tướng và Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt năm 1999.
Người dân cũng phản đối chủ đầu tư nâng cao tầng các cụm chung cư trong dự án từ 20 lên 40 tầng, đề nghị giữ nguyên quy hoạch cũ cũng như phản đối việc lấp rạch Bà Cả làm hẹp dòng chảy, gây ngập úng khu dân cư.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Công ty cổ phần Phát triển kinh doanh nhà thành phố đang phối hợp với Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn thuộc Bộ Xây dựng hoàn chỉnh phương án nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị An Phú-An Khánh để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, có ý kiến.
Thực địa hiện trường dự án cho thấy, nhiều khu đất trong dự án Khu đô thị An Phú-An Khánh vẫn đang bị bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm. Trong khi một số hạng mục phục vụ tiện ích công cộng như y tế, trường học chưa được xây dựng, đang rào tôn và bỏ trống thì các dự án căn hộ thương mại đang được các đơn vị tổ chức thi công rầm rộ.
Đáng chú ý vào tháng 6/2019, Công ty cổ phần Phát triển kinh doanh nhà (HDTC) thi công phần ngầm khu nhà chung cư cao tầng tại Khu E, Khu D-Khu đô thị An Phú-An Khánh đã bị Ủy ban Nhân dân Quận 2 (cũ) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính xây dựng không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng./.