TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong quý 3

Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động ở ngành kinh tế tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 29,06%).
(Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 10/8, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết qua kết quả khảo sát “Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường sức lao động” vừa được triển khai cho thấy, dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong quý 3/2021.

Khảo sát “Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường sức lao động” được triển khai ở 4.140 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 1.335 doanh nghiệp siêu nhỏ, 2.643 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 162 doanh nghiệp lớn.

[TP. HCM: Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong thời gian chống dịch]

Qua khảo sát, 1.924 doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, chiếm 46,47%, trong đó, có 1.794 doanh nghiệp ngoài nhà nước thông báo sẽ thực hiện cắt giảm lao động (chiếm 93,24%); 104 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 5,41%) và 26 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (chiếm 1,35%) dự kiến cắt giảm lao động trong quý 3.

Đại diện Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố cho biết số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động ở ngành kinh tế tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 29,06%). Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 15,28%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 12,32%); xây dựng (chiếm 10,4%).

Tình trạng cắt giảm lao động còn xảy ra đối với các hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (chiếm 9,72%); lĩnh vực vận tải kho bãi (chiếm 6,08%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 5,87%); thông tin và truyền thông (chiếm 3,27%); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 2,18%). giáo dục và đào tạo (chiếm 2,08%).

Các lĩnh vực ít cắt giảm lao động nhất gồm y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (chiếm 0,83%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (chiếm 0,83%); hoạt động dịch vụ khác (chiếm 0,68%); cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (chiếm 0,62%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (chiếm 0,42%); nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 0,26%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (chiếm 0,1%).

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp áp dụng hình thức cắt giảm lao động thông qua giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm 44,7%); tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương (chiếm 17,5%); tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (chiếm 16,61%); cho lao động thôi việc (chiếm 21,19%).

Đối với doanh nghiệp áp dụng hình thức cho lao động thôi việc, 28,93% lượt doanh nghiệp dự định sẽ hỗ trợ kinh phí mất việc làm cho người lao động; có 19,61% lượt doanh nghiệp dự định hỗ trợ làm thủ tục hưởng gói trợ cấp hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ; 16,62% lượt doanh nghiệp lựa chọn hình thức khác và 34,84% lượt doanh nghiệp dự kiến không hỗ trợ đối với lao động thôi việc.

Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố dự báo thị trường lao động sẽ sôi động hơn vào quý 4/2021, nhất là tháng cuối năm khi phần lớn các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục