Từ những đồ vật bị xem là rác thải mà mọi người đã bỏ đi, ông Tống Văn Thơm ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu nhặt về để tái chế thành những sản phẩm hữu dụng.
Từng là công nhân vệ sinh môi trường, hàng ngày hai vợ chồng ông Thơm thức dậy từ sáng sớm cùng với chiếc xe thùng, đẩy đi đến mọi ngõ ngách trong khu vực mình phụ trách để thu gom rác.
Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy có nhiều vật dụng do người dân bỏ đi, tuy hư hỏng nhưng nếu biết cách sửa lại thì vẫn có thể sử dụng được, thế là ông nhặt nhạnh mang về. Khi rảnh rỗi, ông mang ra lau chùi, sửa lại rồi để sử dụng trong nhà.
Đến năm 1998, lúc bấy giờ thành phố phát động chương trình “Vì môi trường xanh-sạch-đẹp,” vì tính chất công việc nên ông đã nảy ra ý tưởng hưởng ứng phong trào bằng cách thu nhặt những đồ phế thải rồi tìm cách “hồi sinh” chúng để tái sử dụng. Ông còn bỏ tiền ra mua lại những đồ vật của các đồng nghiệp nhặt được. Lâu dần, công việc này đã trở thành thú vui của ông lúc nào không hay.
Lúc đầu, bà Nguyễn Ngọc Đào, vợ ông quyết liệt phản đối vì thường xuyên chứng kiến chồng mang nhiều thứ mà người ta xem là rác thải chứa đầy trong nhà. Sau nhiều lần bị thuyết phục vì mục đích và niềm đam mê của ông, cũng như lợi ích từ việc tái chế từ những món đồ này, bà Đào cũng nguôi lòng. Bà còn giúp ông góp nhặt trong khi đi làm việc.
Những đồ vật nào còn sửa lại dùng được, ông tìm cách mày mò thay các bộ phận đã hư, tháo ráp từ cái này qua cái kia giúp chúng hoạt động lại được. Các vật dụng mà gia đình ông Thơm sử dụng hiện nay đa phần đều do ông tái chế.
Chiếc quạt trần có cánh được làm bằng tấm cửa của chiếc xe ôtô bị hư. Thùng rượu bằng gỗ kết hợp với chiếc loa cũ ông tạo thành một cái “loa thùng” nghe rất “êm.” Cái đèn ngủ được ông “chế” lại từ chiếc cúp gãy trông rất đẹp mắt. Đặc biệt, cái loại tivi, ampli, đầu đĩa, chiếc radio, là những thứ ông gom góp được nhiều nhất.
Cái nào không thể sửa được nữa, ông “biến hóa” chúng thành những món đồ chơi, đồ lưu niệm rất ngộ nghĩnh, trưng bày khắp căn nhà nhỏ. Con robot, mô hình xe tăng, môtô, chiếc đàn, lọ cắm hoa… đều được ông tái chế lại từ nhiều đồ vật khác nhau.
Cho đến nay, ông đã làm được hơn 2.000 đồ vật các loại, và ông luôn xem chúng như là một “gia tài” quý báu của mình. Trong đó, chiếc đàn xếp và cây đàn tranh là hai vật mà ông yêu quý nhất, do ông đã tốn rất nhiều tâm huyết và thời gian để sửa chữa lại chúng. Nhiều người đã ngỏ ý mua với giá cao nhưng ông nhất mực không bán.
Ông Thơm tâm sự: “Với tôi mọi vật đều có 'sự sống' riêng của nó, chúng ta không nên hắt hủi khi chúng bị hư hỏng mà có thể tái tạo, hãy biến chúng thành những vật hữu ích khác, vừa tránh lãng phí vừa giúp ích cho cuộc sống.”
Ngoài những đồ vật để trong nhà sử dụng, nếu người thân hay hàng xóm có nhu cầu, ông Thơm đem tặng cho họ chứ tuyệt nhiên không bán. Rất nhiều học sinh, sinh viên tìm đến nhờ ông hướng dẫn cách sửa chữa một số đồ vật hoặc xin những sản phẩm của ông để phục vụ việc học tập.
Chị Mai Hồng Vân (29 tuổi, ngụ Quận 5) đã lặn lội đến tận nhà ông Thơm xin một số vật dụng tái chế đem về giới thiệu với các chị em ở địa phương nhằm để kêu gọi, tuyên truyền, hướng dẫn mọi người cách xử lý, tái chế rác thải sao cho hữu ích.
Nhận thấy việc làm tích cực của ông Thơm, Tổ chức "Hành động vì môi trường và phát triển-ENDA" đã nhiều lần vinh danh ông vì những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường sống. Ông đã được Tổ chức ENDA giới thiệu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập Quận 5 được gần 20 năm qua.
Mới đây nhất, ông được mời tham dự ngày hội “Tái chế rác thải” tại công viên Tao Đàn (Thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 5/2014, nhằm giới thiệu một số sản phẩm được tại chế từ rác thải của ông. Các sản phẩm này được đông đảo người dân ủng hộ và học tập.
Năm nay, dù đã 64 tuổi nhưng ông Thơm chưa hề có ý định dừng lại công việc của mình. Vừa nghe vài bản nhạc dân ca trữ tình bằng cái đầu máy mới sửa được, vừa mày mò bên các đồ vật ông vừa mới nhặt về. Bởi với ông Thơm, không có cái gì là bỏ đi, nếu mình biết cách tận dụng sẽ tạo thành những vật dụng hữu ích./.